Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất đầu tư công cao tốc Phủ Lý - Nam Định

Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất đầu tư cao tốc Phủ Lý - Nam Định theo hình thức đầu tư công như kiến nghị của UBND tỉnh Nam Định.

Tuyến Phủ Lý - Nam Định

Tuyến Phủ Lý - Nam Định

Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ về phương án đầu tư dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Phủ Lý - Nam Định (CT11).

Đề xuất giao địa phương làm cơ quan chủ quản

Bộ GTVT cho biết, tại Nghị quyết 30/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ "đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc (đoạn qua vùng) theo quy hoạch".

Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Phủ Lý - Nam Định theo tiêu chuẩn đường cao tốc theo quy hoạch là cần thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển đô thị, công nghiệp, kinh tế - xã hội khu vực.

Tuyến Phủ Lý - Nam Định là trục giao thông chính, huyết mạch nối tỉnh Nam Định và tiểu vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng. Dọc hai bên tuyến đã phát triển khu, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp.

Hiện nay, tuyến có lưu lượng giao thông lớn khoảng 18.464 xe/ngày đêm, ùn tắc vào các ngày cuối tuần, các ngày lễ, Tết.

Ngày 18/6 vừa qua, UBND tỉnh Nam Định có Tờ trình, trong đó đề nghị cho phép UBND tỉnh Nam Định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; triển khai dự án theo hình thức đầu tư công (nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thực hiện công tác GPMB); giao UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan chủ quản triển khai dự án.

Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT cho biết, tại khoản 3 Điều 48 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ đối với hệ thống quốc lộ do Bộ GTVT chịu trách nhiệm; khoản 1 Điều 31 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định, Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức quản lý xây dựng, bảo trì hệ thống quốc lộ, các đường tham gia vận tải quốc tế, đường cao tốc nên đối với tuyến đường Phủ Lý - Nam Định, Bộ GTVT chịu trách nhiệm cân đối, huy động, bố trí vốn đầu tư.

Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội đã cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó có chính sách giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư dự án đường cao tốc với danh mục dự án cụ thể, tuy nhiên dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Phủ Lý - Nam Định chưa thuộc danh mục dự án thí điểm.

"Vì vậy, việc giao UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan chủ quản tại thời điểm hiện nay chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện", Bộ GTVT nêu.

Về việc giao cơ quan chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT cho biết, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định Bộ GTVT giao đơn vị trực thuộc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A, B; đối với dự án quan trọng quốc gia không quy định cụ thể cơ quan được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

UBND tỉnh Nam Định và UBND tỉnh Hà Nam dự kiến sử dụng ngân sách địa phương tham gia vào dự án khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện GPMB và do dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh nên cần phải áp dụng cơ chế, chính sách do Quốc hội quyết định nên theo khoản 5 Điều 7 Luật Đầu tư công, dự án xây dựng đường cao tốc Phủ Lý - Nam Định xuất hiện tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Trong trường hợp này, theo khoản 1 Điều 19 Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ có thể giao cơ quan thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để lập Báo cáo nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian qua, tương tự như dự án xây dựng tuyến cao tốc Phủ Lý - Nam Định, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Ninh Bình chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn từng địa phương và UBND tỉnh Sơn La chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

"Vì vậy, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Nam Định lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án", Bộ GTVT nêu.

Theo UBND tỉnh Nam Định, việc đầu tư dự án theo phương thức PPP chỉ hiệu quả khi thu phí đồng thời trên tuyến cao tốc và tuyến đường gom song hành

Theo UBND tỉnh Nam Định, việc đầu tư dự án theo phương thức PPP chỉ hiệu quả khi thu phí đồng thời trên tuyến cao tốc và tuyến đường gom song hành

Bộ GTVT đồng thuận đầu tư công

Về hình thức đầu tư, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, trên đoạn tuyến có khoảng 4 km đang thực hiện thu phí đến năm 2028 và 21 km còn lại không phải trả phí.

Việc thực hiện nâng cấp, mở rộng tuyến hiện hữu lên thành đường cao tốc cần phải xây dựng 2 tuyến đường gom song hành phục vụ gom, kết nối các khu công nghiệp, khu dân cư dọc tuyến; xây dựng một số nút giao.

Tiến độ đầu tư cao tốc Phủ Lý - Nam Định:

Theo quy hoạch, tuyến tuyến cao tốc Phủ Lý - Nam Định (CT11) dài khoảng 50 km, quy mô 4 làn xe.

- Đoạn từ TP. Phủ Lý đến TP. Nam Định, chiều dài 25 km, đang khai thác quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường quốc lộ, nâng cấp thành đường cao tốc trước năm 2030;

- Đoạn TP. Nam Định đến nút giao với đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng được xây dựng mới, chiều dài 25 km, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, việc đầu tư dự án theo phương thức PPP chỉ hiệu quả khi thu phí đồng thời trên tuyến cao tốc và tuyến đường gom song hành, điều này khó tạo sự đồng thuận do nhân dân đã quen với việc lưu thông trên tuyến mà không trả phí từ năm 2014.

Nếu chỉ thu phí trên tuyến chính, lưu lượng giao thông tập trung trên các tuyến đường gom song hành, khó bảo đảm tính khả thi của phương án tài chính.

Với các lý do nêu trên, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công như kiến nghị của UBND tỉnh Nam Định.

Để sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Phủ Lý - TP. Nam Định, thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết 30/2022, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư) tương tự như một số tuyến cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

UBND tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm rà soát, kiện toàn năng lực của cơ quan, tổ chức được giao triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

Cũng theo kiến nghị của Bộ GTVT, giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu bố trí vốn cho dự án từ nguồn vốn đầu tư công ưu tiên cho các công trình quan trọng quốc gia.

Sau khi xác định được nguồn vốn triển khai dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Nam Định phối hợp với Bộ GTVT để xác định cơ quan chủ quản, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Nam Định trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án.

Ánh Minh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/bo-gtvt-dong-thuan-voi-de-xuat-dau-tu-cong-cao-toc-phu-ly-nam-dinh-183240719125748702.htm