Bộ GTVT phản hồi kiến nghị nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 qua Đắk Nông
Bộ GTVT có văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông trả lời cử tri tỉnh này về việc mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14.
Theo cử tri tỉnh Đắk Nông, quốc lộ 14 đoạn qua thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jut nối đến Cầu 14 có lưu lượng xe cao, tập trung 3 trường học và khu vực chợ Tâm Thắng, cần được nâng cấp, mở rộng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại.
Bộ GTVT cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quốc lộ 14 dài 1.762km, quy mô theo từng đoạn cụ thể, trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông dài 154km, quy mô cấp III - IV, 2-4 làn xe.
Bộ GTVT đã triển khai đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác các dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Nông từ năm 2015 với quy mô đường cấp III, nền đường rộng 12m, mặt rộng 11m, các đoạn qua trung tâm thị trấn Đăk Mil, Kiến Đức và thành phố Gia Nghĩa mở rộng theo quy mô quy hoạch đường đô thị.
Về đề nghị đầu tư mở rộng đoạn qua thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jut nối đến Cầu 14, Bộ GTVT cho biết, đây là đoạn tuyến thuộc dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1793+600 đến Km 1824+00, tỉnh Đắk Nông triển khai theo hình thức hợp đồng BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 7/2015, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 21 năm 7 tháng.
Hiện trạng đoạn tuyến cơ bản được đầu tư theo quy mô quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, trong đó, đoạn qua thị trấn Ea T’Ling quy mô 4 làn xe, đoạn còn lại quy mô 2 làn xe.
Theo số liệu báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, với quy mô đã đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng năng lực khai thác bình thường, ùn tắc giao thông trên tuyến mang tính chất cục bộ (tại giao cắt, dịp cao điểm...).
Về một số điểm nghẽn, có mật độ xe cao tại khu vực trường học và chợ Tâm Thắng (Km 1793+800 - Km 1796+100) như kiến nghị cử cử tri cũng chỉ tập trung vào những thời gian cao điểm nhất định.
"Để xử lý, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp cơ quan chuyên môn của địa phương như: Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT và đơn vị liên quan tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông thông suốt, cải thiện tổ chức giao thông đô thị nhằm hạn chế ùn tắc, tăng cường an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến", Bộ GTVT cho biết thêm.