Bộ Khoa học và Công nghệ đón nhận Huân chương lao động hạng nhất
Sáng ngày 30/11/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1959- 2019) và vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và trao tăng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ KH&CN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ trao tặng.
Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị, xã hội; các doanh nghiệp, viện, trường, tập đoàn kinh tế trong và ngoài Ngành; Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ; cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Bộ KH&CN, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 04 tháng 3 năm 1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bộ KHCN đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành.
Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, KH&CN tiếp tục có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh. Hành lang pháp lý, cơ chế và chính sách quản lý KH&CN được chú trọng đổi mới, hướng đến tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, cụ thể:
Hệ thống pháp luật về KH&CN được hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành và nhiều văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp Bộ với mục tiêu tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thuận lợi để thúc đẩy KH,CN và đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo Bộ KHCN qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nghiên cứu cơ bản góp phần tăng cường tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh. Khoa học xã hội và nhân văn cung cấp cơ sở khoa học và luận cứ cho việc hoạch định, xây dựng các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước và xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng; khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và xây dựng đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tiềm lực khoa học và công nghệ được nâng cao: Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KH&CN ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư. Nhân lực KH&CN, sau 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, cả nước có 172.683 cán bộ tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển. Hạ tầng KH&CN đến nay, cả nước có nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và khu công nghệ thông tin tập trung. Riêng 03 khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Hạ tầng thông tin KH&CN ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu, ứng dụng kết quả KH&CN. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ được triển khai thường xuyên dưới nhiều hình thức: Tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, tham gia các sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, chợ thiết bị và công nghệ… Nhiều tập đoàn lớn, công ty công nghệ hàng đầu thế giới (như Samsung, Intel, Nidec...) đã đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục tăng vượt bậc trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: " Ngành sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời các biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học".
Chính sách quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng hướng mạnh tới việc thúc đẩy hoạt động phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất - kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Công tác quản lý an toàn, bức xạ hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ các ngành kinh tế - xã hội đã đóng góp thiết thực và hiệu quả cho phát triển đất nước và hội nhập. Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN góp phần thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư cho KH&CN trong nước; hoạt động đàm phán và ký kết các văn bản hợp tác được tiếp tục thúc đẩy; tích cực tham gia chuẩn bị nội dung và đàm phán Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển các công nghệ mới. Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT-XH: Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giao thông và xây dựng nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công, tiêu biểu như: thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng độ sâu 120 mét nước, làm chủ công nghệ tiên tiến trong xây nhà cao tầng, công nghệ xây dựng cầu theo phương pháp đúc hẫng, cầu dây văng, đường cao tốc, ga hàng không, bến cảng,..
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin - truyền thông, KH&CN đã được ứng dụng mạnh mẽ, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, 87% các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật đã tham gia các cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến, đáp ứng các yêu cầu tác chiến. Trong lĩnh vực y tế, kỹ thuật ghép tạng, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, y học hạt nhân, công nghệ tế bào gốc, an toàn truyền máu, hồi sức cấp cứu, vắc xin...
Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư chúc mừng đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ và của ngành KH&CN, Thư có đoạn viết:
“Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ KH&CN và các cơ quan tiền nhiệm của Bộ trong từng thời kỳ lịch sử đã luôn sát cánh cùng các thế hệ cán bộ KH&CN Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, đoàn kết, sáng tạo, phát huy trí tuệ và tư duy tiến bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa nền khoa học và công nghệ nước nhà đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần tạo thế và lực mới vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trước những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và xu thế như: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để KH&CN thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước nhanh chóng ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, phát triển tiềm lực và trình độ KH&CN, hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, chủ động kết nối và hợp tác đối tác chiến lược với các quốc gia tiên tiến trên thế giới./.