Bộ lạc khỏa thân tôn thờ Hoàng thân Philip như thần
Một bộ lạc khỏa thân ở tây nam Thái Bình Dương tin rằng Hoàng thân Philip là thần, quyết định để tang ông trong 100 ngày.
Hòn đảo Tanna ở Cộng hòa Vanuatu (tây nam Thái Bình Dương) là nơi sinh sống của bộ lạc khỏa thân tôn thờ Hoàng thân Philip như thần. Vì lý do đó, khi hay tin Công tước xứ Edinburgh qua đời ở tuổi 99, người dân trong bộ lạc rất đau khổ. Họ quyết định tổ chức tang lễ cho vị thần đã khuất của họ trong 100 ngày.
Trong 100 ngày tiếp theo, người dân tập trung tại một khu đất trống dưới cây đa cổ thụ để tĩnh tâm và uống kava (thức uống có mùi thơm nhẹ làm từ rễ cây hồ tiêu) và ăn món ăn địa phương, bao gồm món lợn bọc lá chuối nấu dưới đất. Đây là phần bắt buộc trong các nghi lễ quan trọng của bộ lạc.
Ngoài ra, ba tháng này là thời gian để thủ lĩnh của những ngôi làng trong bộ lạc suy tính về người thay thế Hoàng thân Philip trong tín ngưỡng tâm linh của họ. Thái tử Charles, con trai của trưởng của Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth, là “ứng cử viên” sáng giá nhất được lựa chọn trở thành vị lãnh tụ tinh thần của bộ lạc. Người dân bộ lạc khỏa thân hy vọng, Thái tử Charles có thể thực hiện được điều mà cha ông chưa bao giờ làm được – đến thăm những cư dân trên đảo.
Trưởng làng Yaohnanen, Jack Malia, cho biết, về mặt tinh thần, Hoàng thân Philip luôn là một phần trong cuộc sống của dân làng. Tuy nhiên, họ không có cơ hội được gặp vị phối ngẫu của Nữ hoàng Anh vì ông chưa hề đặt chân lên đảo Tanna. “Chúng tôi không bao giờ có cơ hội gặp mặt trực tiếp ngài ấy. Nếu [Thái tử Charles] đồng ý đến vào một ngày nào đó, ngài ấy phải xuống đây để chúng tôi có thể ngồi lại với nhau và nói chuyện”, ông nói.
Trưởng làng Yakel, ông Albi, khẳng định, linh hồn của Hoàng thân Philip đã rời khỏi cơ thể ông, nhưng vẫn còn tồn tại và đang tìm kiếm “ngôi nhà” mới. Ông Albi cũng gửi lời động viên đến Nữ hoàng Elizabeth rằng, mong bà đừng quá đau buồn vì dù thể xác của ông đã chết đi, nhưng linh hồn vẫn sống.
Người dân trên đảo Tanna không hay biết về thông báo Công tước xứ Edinburgh qua đời vào hôm 9/4. Họ vẫn an giấc và thức dậy sớm vào sáng hôm sau để thu hoạch khoai lang. Mãi đến chiều ngày 10/4, họ mới được một phụ nữ ở khu nghỉ mát gần đó cập nhật thông tin. Ngay lập tức, những phụ nữ trong bộ lạc bật khóc nức nở, còn đàn ông đau buồn trong im lặng và cố gắng dỗ dành trẻ con.
“Vào năm 2007, chúng tôi được đưa đến Anh. Mối liên hệ giữa người dân trên đảo Tana và người Anh rất bền chặt. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới hoàng gia và người dân Anh”, trưởng làng Yapa nói trong tin nhắn video gửi cho gia đình Hoàng gia Anh.
Mary Niere, kế toán của khu nghỉ dưỡng gần nơi sống của bộ lạc khỏa thân, tiết lộ, than khóc là phong tục truyền thống trên đảo dành cho những người đang phải đối mặt với đau thương lớn, có thể kéo dài hàng tuần.
Trong nhiều thập kỷ, bộ lạc gồm 400 người tôn thờ Hoàng thân Philip như thần. Họ cầu nguyện hàng ngày với hy vọng ông sẽ bảo vệ vụ mùa chuối và khoai của họ. Đến nay, chưa hoàn toàn rõ lý do vì sao bộ lạc này lại tôn sùng Hoàng thân Philip đến vậy dù ông chưa từng đến thăm hòn đảo.
Theo một số nguồn tin, những người trong bộ lạc đã nhìn thấy bức chân dung lớn của Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth khi họ đến thăm Port Vila, Vanuatu, vào những năm 1960. Bị ấn tượng khi ông kết hôn với một “nữ hoàng da trắng quyền lực”, họ bắt đầu tin rằng ông là hiện thân của một linh hồn núi lửa, một ngày nào đó sẽ trở lại Tanna.
Lần gần nhất Công tước xứ Edinburgh đến Vanuatu là trong chuyến thăm thủ đô Port Vila vào năm 1974. Khi đó, quốc đảo này là thuộc địa của Anh-Pháp, có tên là New Hebrides. Trong chuyến đi này của Hoàng thân Philip, vị thủ lĩnh có tên Jack Naiva đến từ Tanna và những người khác đã không ngại chèo thuyền quãng đường 240km để đến thủ đô chào đón vị thần của họ.
Từ đó, địa vị thần thành của Hoàng thân trong lòng người dân bộ lạc ở Tanna càng thêm củng cố. Thủ lĩnh Naiva tin chắc, Hoàng thân được gửi xuống từ thiên đường để bảo vệ hòn đảo và mang lại may mắn cho người dân.
Trong cuốn sách của tác giả Matthew Baylis về Matthew Baylis, cư dân bộ lạc thậm chí còn suy đoán, Hoàng thân Philip đã giúp Barack Obama trở thành người da đen đầu tiên đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Họ ca ngợi ông có thể kiểm soát được lốc xoáy.
Ở nước Anh xa xôi, Hoàng thân Philip lúc sinh thời nhận thức rõ sự ngưỡng mộ của người dân bộ lạc ở đảo Tanna dành cho ông. Trong nhiều năm, ông gửi những bức ảnh đóng khung của chính ông cho bộ lạc khỏa thân này. Những bức ảnh này được lưu giữ trong ngôi đền trên đảo,
Một lần, bộ lạc gửi cho Hoàng thân Philip món vũ khí truyền thống, gọi là nal-nal, dùng để săn lợn, và yêu cầu ông chụp ảnh với nó. Hoàng thân Philip chấp nhận thỉnh cầu, nhưng trước đó không quên than phiền với trợ lý về món đồ kỳ lạ. Khi nhận được bức ảnh vào năm 1980, bức ảnh được xem như vật linh thiêng và bảo quản cho đến ngày nay.
Người dân bộ lạc vẫn mong mỏi Hoàng thân Philip đến thăm một lần, nhưng giờ đây họ có niềm tin mãnh liệt rằng, linh hồn của ông sẽ đến Tanna. Không chỉ vậy, họ còn cam đoan Hoàng thân Philip là người da đen. “Nếu ngài ấy chuyển sang da trắng, điều đó chỉ xảy ra khi ở các quốc gia khác”, vị thủ lĩnh tên Willie Lop tuyên bố.