Bộ luật Lao động (sửa đổi): Nhiều điểm mới liên quan đến quyền lợi người lao động

Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 220 điều đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ), được NLĐ phấn khởi đón nhận.

Cán bộ Công đoàn đóng góp ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hòa

Cán bộ Công đoàn đóng góp ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hòa

Khi biết thông tin dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, sẽ được nghỉ thêm 1 ngày có hưởng lương, nhiều NLĐ đã bày tỏ sự vui mừng, bởi nhờ đó họ có thêm thời gian để sum họp bên gia đình và nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

* Thêm ngày nghỉ, thêm niềm vui

Chị Hoàng Thị Minh, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) bày tỏ phấn khởi: “Có thêm ngày nghỉ mà vẫn được hưởng lương, tôi cũng như các đồng nghiệp đều cảm thấy rất vui. Đặc biệt là ngày nghỉ lại vào dịp 2-9, tôi sẽ có thêm thời gian chăm sóc và chuẩn bị những thứ cần thiết để các con bước vào năm học mới chu đáo hơn”.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Chang shin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cũng hào hứng chia sẻ, được nghỉ thêm 1 ngày dịp nghỉ lễ 2-9, công nhân lao động sẽ có thêm thời gian vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. “Ngoài ra, nếu ngày 2-9 rơi vào dịp cuối tuần thì chúng tôi sẽ có thêm nhiều ngày nghỉ liên tiếp, rất thuận lợi cho việc về quê thăm gia đình; niềm vui sum họp lại được nhân lên” - chị Hạnh bày tỏ.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, việc tăng thêm ngày nghỉ lễ vào dịp 2-9 còn giúp NLĐ có thêm thời gian tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng Quốc khánh, Tết Độc lập của dân tộc, từ đó làm tăng thêm ý nghĩa chính trị, nâng cao niềm tự hào dân tộc.

Một nội dung khác cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của NLĐ là quy định về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa. Theo đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) giữ nguyên như quy định hiện hành, nhưng ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm.

Người sử dụng lao động tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của NLĐ; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định, người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm đối với một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp như: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản…; trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm; hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất; và trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Anh Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Grobest Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) bày tỏ: “Việc Bộ luật Lao động (sửa đổi) giữ nguyên quy định về khung giờ làm thêm tối đa như hiện hành và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm là một quy định rất phù hợp với thực tế. Quy định này vừa đảm bảo giữ gìn sức khỏe cho NLĐ, vừa tạo điều kiện hỗ trợ cho DN trong những lĩnh vực đặc thù và thời điểm cần thiết sản xuất, phát triển”.

* Sâu sát nắm bắt tình hình NLĐ

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Điều 169 Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) trong giờ sản xuất. Ảnh: Nguyễn Hòa

Người lao động Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) trong giờ sản xuất. Ảnh: Nguyễn Hòa

Về quy định mới này, nhiều người cho rằng, cán bộ công chức, viên chức sẽ không bị tác động nhiều, tuy nhiên đối tượng lao động trực tiếp sẽ có những ảnh hưởng nhất định.

Theo đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, mặc dù nhiều NLĐ trực tiếp còn có những băn khoăn nhất định, song cần xác định rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu có lộ trình khá dài, không phải là nâng ngay. Đến năm 2028 mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62 và đến năm 2035 mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Luật đã ban hành thì cần phải hiểu rõ và tuân thủ thực hiện. Trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách, pháp luật cho NLĐ để NLĐ có hiểu biết đầy đủ và tuân thủ tốt hơn, đảm bảo tốt hơn cho quan hệ lao động.

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn lao động tỉnh Nông Văn Dũng cho biết, liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi), thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn tỉnh chủ động, tích cực nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của NLĐ và kịp thời giải thích, định hướng, nhất là đối với những chính sách tác động trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Ghi nhận cho thấy, tình hình công nhân lao động trước và sau khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua cơ bản ổn định.

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh nhấn mạnh, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước sang năm 2020, cùng với việc Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì Nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020 cũng đã được Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp đang chuẩn bị đưa ra phương án nâng lương, thưởng Tết cho NLĐ… Với rất nhiều nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ như vậy, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các cấp Công đoàn cần tiếp tục tăng cường sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để từ đó thông tin đầy đủ, định hướng cụ thể theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về pháp luật lao động.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) bày tỏ: “Việc tổ chức Công đoàn quan tâm, sâu sát đến đời sống của NLĐ, từ đó nỗ lực đề xuất chính sách của tổ chức Công đoàn, đã góp phần giúp NLĐ chúng tôi có được thêm ngày nghỉ được hưởng lương và nhiều chế độ thiết thực có lợi khác trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng như các chế độ phúc lợi đang được áp dụng tại nơi làm việc. Chúng tôi cảm thấy tin tưởng và biết ơn Công đoàn rất nhiều”.

Thảo Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/201911/bo-luat-lao-dong-sua-doi-nhieu-diem-moi-lien-quan-den-quyen-loi-nguoi-lao-dong-2976211/