Bộ máy cấp phường càng cồng kềnh thì càng trì trệ, kém hiệu quả
Thảo luận tại tổ về về Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, thí điểm 'bỏ' HĐND cấp phường là cần thiết bởi, bộ máy chính quyền đô thị cấp phường càng cồng kềnh bao nhiêu càng trì trệ kém hiệu lực hiệu quả bấy nhiêu.
Ban hành Nghị quyết là cần thiết, có tính khả thi cao
Cũng theo Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Quốc hội cần ra Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 vì 3 lý do:
Thứ nhất, nếu bộ máy chính quyền đô thị cấp phường càng cồng kềnh bao nhiêu càng trì trệ kém hiệu lực hiệu quả bấy nhiêu. Nếu thu gọn lại, không tổ chức HĐND ở phường sẽ đảm bảo được tinh gọn đầu mối, tăng hiệu quả.
Thứ hai, chúng ta tổ chức thí điểm tại đô thị đặc biệt – Thủ đô Hà Nội với tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi có những quy định liên quan đến phân cấp phân quyền giữa các cấp chính quyền chưa phù hợp. Nếu Nghị quyết được thông qua sẽ giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn.
Thứ ba, năm 2017, 2019 Bộ Chính trị đã có 2 kết luận quan trọng số 22 và 46 trong đó có chỉ đạo thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn Hà Nội.
Về nội dung “việc ra Nghị quyết có phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp pháp luật của Nhà nước không”, theo Đại biểu Hồng Hà, Nghị quyết này hoàn toàn phù hợp. Bởi, trong Kết luận 64 Hội nghị TW7 khóa 11 đã đề cập đến vấn đề này, Hiến pháp 2013 đã quy định, Nghị quyết 56/2017 của Quốc hội cũng đã đề cập đến.
Về tính khả thi của Nghị quyết, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, Nghị quyết có tính khả thi đảm bảo hiệu lực hiệu quả của UBND phường bởi 4 lý do:
Thứ nhất, thực hiện chính quyền đô thị 2 cấp, đối với cơ quan chuyên môn của Thành phố, quận huyện phù hợp với tính chất của đô thị, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền giữa thành phố với cơ quan chuyên môn và UBND quận huyện, thị xã sẽ bảo đảm được hiệu lực hiệu quả.
Thứ hai, theo Điều 61 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND phường có 7 thẩm quyền. Những nội dụng này sẽ được điều chỉnh chuyển cho HĐND quận, huyện, thị xã, bảo đảm thực hiện thống nhất, phù hợp quy định hiện hành.
Thứ ba, chế độ làm việc của UBND phường khi thực hiện thí điểm là cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã đặt trên địa bàn phường, nhiệm vụ chính của UBND phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý Nhà nước, cung ứng 1 số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của UBND quận, thị xã.
Thứ tư, hồ sơ của dự án được chuẩn bị công phu, chu đáo trong thời gian dài, phân tích rõ về lý luận, đánh giá đúng thực tiễn, thể hiện đúng chủ trương đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.
Về một số ý kiến còn băn khoăn rằng lần thí điểm này có gì khác lần thí điểm 2008, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nhận định, lần thí điểm này có 5 điểm khác biệt:
Thí điểm năm 2008 để tổng kết sửa đổi Hiến pháp, còn lần này để triển khai thi hành Hiến pháp mới 2013.
Về phạm vi, năm 2008 thí điểm trên 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh Thành phố, lần thí điểm này chỉ tiến hành trên 177 phường của Hà Nội trong thời gian từ 2021-2016.
Về mô hình hoạt động, năm 2008, chính quyền tỉnh, thành phố vẫn thuộc 3 cấp thì nay chỉ còn 2 cấp là quận, Thành phố.
Về tổ chức bộ máy hành chính cấp phường, năm 2008 Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm miễn nhiệm, cách chức với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, nhưng lần thí điểm này, UBND phường là cơ quan hành chính đại diện cho UBND quận, huyện hoạt động theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND trong quản lý, điều hành hành chính. Việc sắp xếp bố trí cán bộ chuyên môn ở UBND cấp phường hợp lý hơn.
Về chức năng nhiệm vụ của bộ máy hành chính cấp phường, năm 2008 UBND phường vẫn thực hiện chức năng nhiệm vụ theo Luật Tổ chức HĐND, UBND 2003. Còn hiện nay, UBND phường không phải 1 cấp chính quyền và chỉ thực hiện 1 số nhiệm vụ theo thẩm quyền, nhiệm vụ do UBND cấp quận ủy quyền.
Mong muốn sẽ thí điểm ở TP. Hồ Chí Minh
Cùng bày tỏ sự nhất trí cao với mô hình thí điểm chính quyền đô thị 2 cấp tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) nêu qua việc đã từng thực hiện thí điểm, Hà Nội sẽ rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá về tính hiệu lực, hiệu quả, hợp lý cũng như nhiều nhược điểm cho đề án trình ra Quốc hội lần này.
Khi góp ý Luật Tổ chức chính quyền địa phương kỳ họp trước, đại biểu này tha thiết mong nên tổ chức chính quyền địa phương hợp lý, nhất là ở các đô thị lớn. “Việc thực hiện việc thí điểm sẽ giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế bền vững chứ không còn là giảm theo ý chí, thấy đông quá thì giảm như hiện nay”, đại biểu Tâm nói.
Đại biểu cũng đề xuất, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đề nghị để được thí điểm bởi là đại diện cho khu vực phía Nam, thành phố là đô thị có nhiều đặc thù riêng. “TP. HCM đã có đề án chính quyền đô thị khá toàn diện, hoàn chỉnh, trình ra Bộ Chính trị. Nay thành phố nên có đề xuất để Trung ương xem xét cho thành phố Hồ Chí Minh thí điểm cùng Hà Nội, tạo thêm thực tiễn để Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội xem xét thực tiễn để triển khai rộng hơn” - Đại biểu Quyết Tâm nói.