Bố mẹ dùng AI để 'hồi sinh' con đã khuất

Sự phát triển công nghệ tại Trung Quốc đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Người thân có thể nhìn lại hình ảnh, nghe tiếng người đã khuất nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

"Hồi sinh" con trai đột tử nhờ AI

Tại một nghĩa trang yên ắng tại miền bắc Trung Quốc, ông Seakoo Wu lấy điện thoại ra đặt lên trên bia mộ rồi bật một ứng dụng.

Từ chiếc điện thoại xuất hiện hình ảnh của con trai - anh Xuanmo và tiếng nói: “Con biết cha mẹ luôn đau khổ, chìm trong tuyệt vọng khi con ra đi. Dù con không thể tiếp tục ở bên cha mẹ nhưng linh hồn của con vẫn còn trên đời và dõi theo cha mẹ”.

Thực chất, đây không phải những lời nói do chính Xuanmo từng nói ra mà là bản ghi âm được tạo ra bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Vì quá đau buồn sau khi mất con trai, ông Wu và vợ đã nhờ đến công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh ảo của người thân đã khuất.

Nhờ công nghệ phát triển, xu hướng này ngày càng nở rộ ở Trung Quốc.

Hình ảnh hiện thân ảo của anh Xuanmo - con trai ông Seakoo Wu được tạo ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (Ảnh: AFP).

Hình ảnh hiện thân ảo của anh Xuanmo - con trai ông Seakoo Wu được tạo ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (Ảnh: AFP).

Ông Wu muốn xây dựng bản sao có hành xử giống người con trai đã khuất trong thế giới thực tế ảo.

“Một khi chúng ta có thể đồng nhất thế giới hiện thực với thế giới ảo, tôi sẽ có thể gặp lại con trai. Thậm chí tôi có thể hướng dẫn cho bản sao của con trai để khi nhìn thấy tôi, bản sao sẽ nhận ra tôi là cha”, người cha tin tưởng.

Theo hãng tin AFP, một số công ty Trung Quốc cho biết đã tạo ra hàng nghìn “người kỹ thuật số” chỉ với những dữ liệu ít ỏi như khoảng 30 giây dữ liệu về hình ảnh, âm thanh của người đã khuất. Theo các chuyên gia, công nghệ này có thể giúp xoa dịu nỗi đau của những người mất đi người thân.

Như trường hợp của ông Wu và vợ, ông bà từng rơi vào tuyệt vọng khi con trai duy nhất - anh Xuanmo qua đời vì đột quỵ ở tuổi 22 khi đang theo học Đại học Exeter tại Anh. Theo lời kể của ông Wu, con trai của ông bà là sinh viên ngành tài chính kế toán, yêu thích thể thao và rất năng động.

Cùng với sự bùng nổ của những công nghệ như ChatGPT tại Trung Quốc, ông Wu bắt đầu tìm hiểu về những cách để làm con trai “sống lại”. Ông thu thập hình ảnh, video, băng ghi âm của con trai và chi hàng nghìn USD thuê các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) tái tạo khuôn mặt, giọng nói của con trai.

Hiện ông Wu mới chỉ thu được một số kết quả bước đầu nhưng ông đã thành lập một nhóm làm việc để tạo dựng cơ sở dữ liệu chứa lượng lớn thông tin của con trai. Ông Wu kỳ vọng sẽ đưa những thông tin này vào các thuật toán nhằm tạo người ảo có khả năng mô phỏng lối suy nghĩ và cách nói chuyện của con trai với độ chính xác cao.

Ngành công nghiệp mới nở rộ tại Trung Quốc

Theo hãng tin AFP, một số công ty chuyên về phát triển những hiện thân ảo đã xuất hiện tại Mỹ trong những năm gần đây. Nhưng ngành công nghiệp này đang thực sự nở rộ tại Trung Quốc, theo ông Zhang Zewei - nhà sáng lập công ty AI Super Brain, người từng cộng tác với ông Wu.

“Trung Quốc hiện là quốc gia đi đầu thế giới xét về công nghệ AI. Tại Trung Quốc cũng có nhiều người mong muốn tìm cách xoa dịu nỗi nhớ thương" - ông Zhang nói.

Ông Seakoo Wu và vợ trước bia mộ của con trai (Ảnh: AFP).

Ông Seakoo Wu và vợ trước bia mộ của con trai (Ảnh: AFP).

Công ty Super Brain, một đơn vị trong lính vực mới nổi này đang tính phí từ 10.000-20.000 nhân dân tệ (1.400 USD - 2.800 USD) để tạo một hiện thân ảo cơ bản trong vòng 20 ngày.

Khách hàng của công ty này hầu hết là những người thân quá đỗi bàng hoàng, đau xót và dằn vặt khi người thân đột ngột qua đời. Họ có thể là những bậc cha mẹ quá bận bịu không có thời gian dành cho con cái khi con còn sống hay người có bạn trai đột tử.

Công ty cũng cung cấp dịch vụ khách hàng trò chuyện trực tuyến với nhân viên công ty nhưng khuôn mặt và giọng nói đã được xử lý để trở nên giống với người thân đã khuất của khách hàng.

Theo ông Zhang, tầm quan trọng của công nghệ sáng tạo này là rất lớn bởi phiên bản kỹ thuật số của con người sẽ tồn tại mãi mãi, thậm chí sau khi thân thể của người đó đã mất.

Ông Sima Huapeng - nhà sáng lập công ty Silicon Intelligence có trụ sở tại thành phố Nam Kinh, cho rằng công nghệ sẽ tạo ra một kiểu “con người” mới. Ông Huapeng cho rằng công nghệ này tương tự việc chụp ảnh chân dung nhưng cho phép con người tưởng nhớ người thân đã khuất theo phương thức mới.

Ông Tal Morse - nhà nghiên cứu tại Đại học Bath, Anh đánh giá, ứng dụng này sẽ giúp người thân phần nào nguôi ngoai nỗi buồn song cần có thêm nghiên cứu về khía cạnh tâm lý và đạo đức trong lĩnh vực này.

Với ông Zhang - nhà sáng lập công ty AI Super Brain, tất cả công nghệ mới đều là “con dao hai lưỡi”. Bản thân ông Zhang từng phải từ chối đơn hàng của những khách hàng mà việc tạo bản sao của người thân có thể mang lại tác động tiêu cực, chẳng hạn như trường hợp một người phụ nữ đã tìm cách tự tử sau khi con gái qua đời.

Hoàng Hương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-me-dung-ai-de-hoi-sinh-con-da-khuat-192231214153307346.htm