Bố mẹ nữ Quán quân 'Đường lên đỉnh Olympia': Đồng hành cùng con làm chủ tương lai
Trong suốt hành trình dạy con, chị Phạm Thị Đỗ Ngọc, giáo viên trường THCS xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, luôn tâm niệm người làm cha, làm mẹ phải tích cực học hỏi, tự rèn luyện để hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nuôi dạy con trong bối cảnh hội nhập.
Cầu nối nuôi dưỡng ước mơ
Chị Phạm Thị Đỗ Ngọc cho biết, ngay từ khi con còn nhỏ, chị đã nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách, khám phá của con. Khi con chưa biết chữ thì chị đọc sách cho con. Khi con tự đọc, chị mua sách theo nhu cầu, phù hợp với lứa tuổi của con. Tình yêu với sách cứ ngấm dần vào con mỗi ngày. Thấy con hay tò mò, khám phá cuộc sống, chị Ngọc mua cho con các loại sách về khoa học, lịch sử, địa lý, các loại sách tham khảo. Sách như cầu nối giúp con của chị Ngọc, cháu Nguyễn Thị Thu Hằng, thắp lên ước mơ được tham gia Đường lên đỉnh Olympia của con.
Năm lớp 7, thấy con gắn dòng chữ "Vô địch Olympia" ở góc học tập, chị Ngọc đã luôn ủng hộ và tìm cách giúp con chinh phục ước mơ. "Gia đình tôi cùng nhau xem các chương trình thời sự, tin tức xã hội trên đài, tivi, báo chí hằng ngày. Chúng tôi cùng nhau giúp con sưu tầm tài liệu, tập trả lời các câu hỏi", chị Ngọc chia sẻ. Điều quan trọng trong việc giáo dục con của chị là rèn con tính tự giác, chủ động trong học tập, tự lập trong cuộc sống. Từ khi đi học, Hằng đã biết lập thời gian biểu một cách khoa học và nghiêm túc thực hiện.
Là người bạn tâm lý của con
Trước mỗi cuộc thi, Hằng luôn đặt ra mục tiêu cho mình. Thấy con luôn tạo áp lực cho bản thân, người mẹ như chị Ngọc cố gắng giải tỏa áp lực tâm lý cho con. Tại chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2020, với việc chuẩn bị kỹ về kiến thức, cộng với tâm lý thoải mái, Hằng đã thực hiện được giấc mơ của mình, giành được vòng nguyệt quế. Thu Hằng là nữ thí sinh có điểm cao nhất trong lịch sử cuộc thi. Em cũng là nữ Quán quân sau 9 năm vòng nguyệt quế thuộc về các bạn nam.
Sự tự tin, bản lĩnh mà con có được, theo chị Ngọc, còn do con được rèn luyện qua các hoạt động ngoại khóa. Ngoài việc là Bí thư chi đoàn ở lớp, Hằng còn lập Câu lạc bộ "Sao Khuê Kim Sơn A" để tạo sân chơi cho các bạn học sinh yêu thích Olympia trong trường, cũng như các chương trình trí tuệ khác. Đặc biệt, Hằng có sở thích làm các video hài hước và tự lập ra cho mình một kênh Youtube. Sau khi tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, lượt subscribe kênh YouTube của Hằng tăng đáng kể.
Theo chị Ngọc, để đồng hành cùng con làm chủ tương lai, người làm cha mẹ cần tích cực học hỏi, tự rèn luyện để hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nuôi dạy con trong bối cảnh hội nhập. Điều không thể thiếu là cha mẹ cần hiểu rõ tính nết, năng lực, sở trường của con để có thể hỗ trợ và tạo động lực cho con chinh phục ước mơ của mình.
Hơn 25 triệu hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được các cấp Hội cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, về giáo dục làm cha mẹ, an toàn thực phẩm và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong nhiệm kỳ 2017 - 2022