Bộ NN-PTNT mừng, Bộ Công thương lo
Trong khi Bộ NN-PTNT và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mừng vì giá gạo xuất khẩu của thế giới tăng cao chưa từng có, thì Bộ Công thương lại lo ngại tình trạng doanh nghiệp tranh mua, tranh bán, tăng cường thu vét lúa gạo, có thể dẫn tới tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ, xáo trộn thị trường, đẩy giá trong nước tăng bất hợp lý... Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở.
Nỗi lo đẩy giá bất hợp lý
Ngày 3-8 vừa qua, Bộ Công thương đã ra công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị đảm bảo công tác bình ổn giá cả, thị trường lúa gạo trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, thị trường lúa gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá. Để đảm bảo công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công thương đề nghị các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn, có phương án về nguồn hàng lúa gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và dịp Tết Giáp Thìn 2023 với giá bình ổn.
Theo đề nghị của Bộ Công thương, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định, để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; đồng thời tính toán thu mua, giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng gạo xuất khẩu, nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp "tránh mua gom ồ ạt, gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý", công văn hỏa tốc lưu ý.
Tăng thêm 50.000ha lúa thu đông để xuất khẩu gạo
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định, giá gạo thế giới tăng cao là "thời cơ vàng" của doanh nghiệp và bà con nông dân. Thứ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT và Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long tăng thêm 50.000ha lúa thu đông để tăng sản lượng xuất khẩu gạo, đồng thời tăng cường an ninh lương thực.
- Phóng viên: Theo dự báo của Mỹ thì nhu cầu gạo của thế giới rất cao do lo ngại ảnh hưởng của El Nino. Trong khi một số nước như Ấn Độ, Nga, UAE… đã có lệnh cấm xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực. Còn chúng ta đang điều hành như thế nào để đón thời cơ này?
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT HOÀNG TRUNG: Bộ NN-PTNT xác định, tuân thủ, thực hiện đúng theo Công điện số 610 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 3-7-2023 về tăng cường sản xuất, xuất khẩu gạo. Trong công điện, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo cung ứng sản lượng, bởi đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu, giúp doanh nghiệp có lợi trên bàn đàm phán. Bộ NN-PTNT cũng sẽ trình Thủ tướng ban hành chỉ thị mới về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
- Chúng ta xác định chủ trương là đẩy mạnh xuất khẩu gạo để nắm lấy "thời cơ vàng". Giá gạo thế giới tăng cao thì chắc chắn có lợi cho Việt Nam, nhưng làm thế nào đảm bảo hài hòa lợi ích thu được giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân?
Giá gạo xuất khẩu tăng thì giá thu mua lúa của doanh nghiệp với bà con nông dân chắc chắn cũng tăng lên, đảm bảo có lợi nhuận hơn cho người trồng lúa. Trong những ngày qua, giá lúa IR50404 đã lên mức 6.500 đồng/kg, lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg.
Để giữ vững sự ổn định, Bộ NN-PTNT khuyến khích tạo liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác để đảm bảo doanh nghiệp và nông dân tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, ổn định. Ví dụ, Tập đoàn Lộc Trời, khi liên kết với hợp tác xã, họ đã tính được bao nhiêu sản lượng, cứ gối nhau vào kho bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu, chủ động sản lượng thì chủ động ký hợp đồng, người dân yên tâm sản xuất vì có đầu ra. Với mô hình liên kết, doanh nghiệp và nông dân chia sẻ lợi ích hài hòa, chủ động về sản lượng, kế hoạch xuất khẩu, có ưu thế trên bàn đàm phán.
- Nhưng nếu gia tăng xuất khẩu, liệu có đảm bảo an ninh lương thực được không, thưa ông?
Để đảm bảo sản xuất, Bộ NN-PTNT sẽ bám sát tình hình thực tế, thời tiết, thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn, nhất là tình hình mưa, hạn mặn để điều chỉnh khung thời vụ, cơ cấu giống hợp lý nhất; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát, không để dịch bệnh xảy ra nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng lúa gạo.
Bộ cũng đã giao Cục Trồng trọt, Cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật xem xét tình hình hạn mặn, xem có khả năng tăng diện tích vụ thu đông, tăng bao nhiêu là hợp lý. Dự kiến là tăng khoảng 50.000ha tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo tính toán, nếu tăng thêm 50.000ha lúa thu đông thì Việt Nam có thể thu thêm 100 triệu USD, cung ứng lương thực cho thế giới và mang lại thu nhập cho nông dân.
Tôi khẳng định Bộ NN-PTNT nắm chắc tình hình thị trường cũng như sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Đến thời điểm này, tổng diện tích gieo trồng lúa là 7,1 triệu ha, sản lượng đạt 43 - 43,5 triệu tấn, đảm bảo sản lượng theo kế hoạch, cân đối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 30 triệu tấn. Như vậy, vẫn còn 14 - 15 triệu tấn lúa, tức 7 - 7,5 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-nn-ptnt-mung-bo-cong-thuong-lo-post700295.html