Bộ NN&PTNT ủng hộ đề xuất dự án chống ngập mới của TP Cần Thơ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết Bộ ủng hộ đề xuất dự án chống ngập mới của TP Cần Thơ và đề nghị địa phương tiếp tục nghiên cứu mở rộng vùng bảo vệ và các giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhất.

Chiều 13-6, Thành ủy Cần Thơ làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về dự án chống ngập, chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ.

Video: Bộ NN&PTNT ủng hộ đề xuất dự án chống ngập mới của TP Cần Thơ.

 Bộ NN&PTNT làm việc với TP Cần Thơ chiều 13-6. Ảnh: NHẪN NAM

Bộ NN&PTNT làm việc với TP Cần Thơ chiều 13-6. Ảnh: NHẪN NAM

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo đề xuất dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ.

Cạnh đó, đại diện các Viện khoa học thủy lợi miền Nam, Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, Cục Thủy lợi, Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đã có ý kiến góp ý xung quanh các đề xuất ban đầu của dự án.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao và cho biết Bộ ủng hộ đề xuất cụ thể của TP Cần Thơ.

“Theo quan sát của chúng tôi, việc ngập lụt của Cần Thơ có 5 nguyên nhân chủ yếu, trong đó, quan ngại nhất là do triều và mưa. Quan sát 21 năm thì có 14 năm thủy triều trên 2 m, trong đó liên tục 9 năm trở lại đây là 2 m trở lên, đỉnh điểm là năm 2022 là 2,27 m” – Thứ trưởng cho hay và chia sẻ thêm về đặc điểm cao độ của TP, với 60% diện tích Cần Thơ từ 0,5-1m, chỉ có 0,4% trên 2m…

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NHẪN NAM

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NHẪN NAM

Đối với đề xuất dự án mở rộng vùng bảo vệ hơn 2.700 ha của TP Cần Thơ, thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng “đề xuất của TP là hoàn toàn đúng, hợp lý, phù hợp với các quy định hiện tại. Đặc biệt đề xuất này được triển khai thì TP có vùng lõi tiếp theo là Bình Thủy được bảo vệ tuyệt đối trước ngập lụt do mưa, lũ, triều cường, sụt lún. Đồng thời, cùng với đó sẽ có các dự án chỉnh trang đô thị, phòng chống sạt lở, di dân…”.

Cạnh đó, ông cũng cho rằng các giải pháp đưa ra mới là bước đầu nên đề nghị TP tiếp tục nghiên cứu chi tiết, cụ thể hơn các công trình, giải pháp khoa học kỹ thuật phòng chống sạt lở, đảm bảo tính bền vững cao hơn và có thể là tiết kiệm hơn.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa trái) cùng đoàn đi khảo sát sông Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: CK

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa trái) cùng đoàn đi khảo sát sông Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: CK

Bên cạnh đó, thứ trưởng Hiệp đề nghị TP Cần Thơ nghiên cứu vùng bảo vệ rộng lớn hơn, cố gắng làm sao làm các công trình tối ưu nhất, không gây lãng phí về sau.

“Trước mắt làm theo quy hoạch là khu vực Bình Thủy, Trà Nóc, còn khu vực Ô Môn, Bộ sẽ nghiên cứu để đưa vào đầu tư công của Bộ ở giai đoạn 2026-20230 hoặc giai đoạn sau. Vì khu vực Ô Môn ngoài chống ngập cho Cần Thơ là đương nhiên thì còn câu chuyện nhồi nước cho toàn vùng và quan trọng là đảm bảo giao thông thủy cho toàn vùng” – thứ trưởng Hiệp nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu mong Bộ NN&PTNT ủng hộ TP Cần Thơ thực hiện đa mục tiêu ở dự án này. Bí thư Hiếu nói, nếu dự án mở rộng thêm ở Trà Nóc thì sẽ có thêm một số mục tiêu khác, chứ nếu chỉ chống ngập không thì chưa thích ứng với điều kiện hiện nay của Cần Thơ.

 Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NHẪN NAM

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NHẪN NAM

Theo Bí thư Hiếu, TP cũng thống nhất, ngoài dự án TP đề xuất thì bổ sung thêm cống ở khu vực Trà Nóc, cần thiết thì phạm vi nghiên cứu sẽ mở rộng hơn 2.770 ha. Bí thư giao cho Ban cán sự đảng UBND TP, Sở NN&PTNT nghiên cứu lại vấn đề này.

Liên quan cống ở Ô Môn, Bí thư Hiếu cũng thống nhất để Bộ NN&PTNT làm vì cống này quá nhiều mục tiêu, hơn nữa giao thông thủy ở Ô Môn rất lớn. Ông chia sẻ sắp tới đây sẽ có cảng ở Ô Môn, hàng hóa xung quanh vùng ĐBSCL sẽ tập kết đi đường thủy từ đây, nên âu thuyền ở đây phải đầu tư thấu đáo, không làm cản trở thuyền bè qua lại.

Dự án mới chống ngập cho khu vực hơn 2.700 ha

Tại cuộc làm việc, Cần Thơ đã có báo cáo đề xuất dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP.

Dự án mới đề xuất có vùng bảo vệ khoảng 2.770 ha, kế bên dự án 3 TP Cần Thơ đang thực hiện. Ảnh: NHẪN NAM

Theo đó, đầu năm 2016, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), kiểm soát ngập cho trên 2.657 ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy.

Hiện dự án đã và đang dần hoàn thiện để đưa vào khai thác sử dụng. Tuy vậy, phần diện tích vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy được chủ động kiểm soát ngập chỉ có 2.657 ha, chiếm khoảng 14,99% so với diện tích bao lớn vùng trung tâm của TP Cần Thơ khoảng 17.724 ha theo “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ” được duyệt.

Hiện trên địa bàn quận Bình Thủy còn nhiều vị trí ngập rất sâu khi bị tác động của lũ, triều và mưa. Lấy mốc định triều lịch sử năm 2022 là 2,27 m, vào các thời điểm điểm triều cường đạt đỉnh thì khu vực giáp rạch Khai Luông (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy ngập sâu từ 0,7-1 m; khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn giao với đường Trần Quang Diệu, đoạn sân vận động ngập sâu từ 0,4-0,5 m. Việc này gây trở ngại lớn cho các hoạt động kinh tế, xã hội, giao thông, cảnh quan…

Mục tiêu của dự án đề xuất mới là chống ngập, chống sạt lở vùng nội ô TP, nhằm phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; giảm sự tổn thương do ngập lụt, sạt lở tại trung tâm TP Cần Thơ; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, có tác dụng lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển bền vững cho TP.

Dự án có diện tích chống ngập vùng nội ô TP khoảng 2.770 ha; giới hạn phía Đông giáp rạch Khai Luông và tuyến Quốc lộ 91, phía Tây giáp Quốc lộ 91B, phía Bắc giáp sông Trà Nóc và đường Nguyễn Viết Xuân, phía Nam là tuyến hẻm 91 (dự án 3 đã đầu tư). Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỉ.

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-nnptnt-ung-ho-de-xuat-du-an-chong-ngap-moi-cua-tp-can-tho-post795584.html