Bộ Nội vụ: Hiệu trưởng là người đứng đầu đại học công lập
Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng là người đứng đầu trong cơ sở giáo dục đại học công lập, chứ không phải chủ tịch hội đồng trường.
Mới đây, Bộ Nội vụ có công văn trả lời Bộ GD&ĐT liên quan đến nội dung ai là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập (gọi tắt là trường ĐH công lập), thẩm quyền xử lý kỷ luật trong trường ĐH công lập. Trước đó, Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị Bộ Nội vụ cho ý kiến về các vấn đề nêu trên.
Bộ Nội vụ: Hiệu trưởng đứng đầu
Theo Bộ Nội vụ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34/2018) và Nghị định 99/2012 không quy định địa vị pháp lý và chỉ rõ giữa chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng thì ai là người đứng đầu trường ĐH công lập.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định về tổ chức bộ máy và các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng là người đứng đầu trường ĐH công lập. Bộ này nêu ba lý do để chứng minh cho nhận định của mình.
Thứ nhất, hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của trường; là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của trường. Hiệu trưởng cũng là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế.
Ngoài ra, hiệu trưởng cũng là người tổ chức các hoạt động khác như ký quyết định tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc, chịu chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong điều hành hoạt động đơn vị, trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Thứ hai, hiệu trưởng là thành viên đương nhiên trong hội đồng trường (HĐT), không phải là thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường ĐH.
Thứ ba, nếu chủ tịch HĐT là người đứng đầu sẽ không phù hợp vì HĐT là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Chủ tịch HĐT do HĐT bầu trong số các thành viên của HĐT theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín, trong đó có thể thành viên ngoài trường ĐH trúng cử chủ tịch HĐT, nếu trúng cử mới chuyển thành viên chức cơ hữu của trường ĐH công lập.
Ngoài ra, HĐT làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; quyết định của HĐT được thể hiện bằng hình thức nghị quyết. Như vậy, hoạt động của HĐT theo cơ chế tập thể, không phải theo nguyên tắc thủ trưởng lãnh đạo.
Cùng với đó, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch HĐT là chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của HĐT; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp HĐT; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐT… Không có điều khoản nào quy định chủ tịch HĐT là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của trường ĐH công lập như với hiệu trưởng.
Ai có quyền kỷ luật chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng?
Theo Bộ Nội vụ, chủ tịch hội đồng, các thành viên HĐT, hiệu trưởng là viên chức của trường ĐH công lập, do đó nếu vi phạm pháp luật thì việc xử lý được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về viên chức.
Đối với chủ tịch HĐT, thẩm quyền xử lý kỷ luật là bộ trưởng, vì bộ trưởng là người ra quyết định công nhận các chức danh trên.
Đồng thời, HĐT sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức danh HĐT đối với trường hợp này theo quy định của pháp luật và quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH (nếu có).
Đối với hiệu trưởng, theo Luật số 34/2018 thì hiệu trưởng trường ĐH công lập do HĐT quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.
Cũng theo luật này, HĐT có thể căn cứ vào thủ tục đề xuất bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng... Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về viên chức, việc bãi nhiệm, miễn nhiệm không phải là hình thức kỷ luật đối với viên chức quản lý.
Để tránh tình trạng mỗi trường ĐH công lập lại có quy định khác nhau về việc quyết định nhân sự hiệu trưởng, Bộ Nội vụ cho rằng Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn và làm rõ về trình tự, thủ tục quyết định hiệu trưởng theo cơ chế bầu hay bổ nhiệm. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần quy định tính chất pháp lý về quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với chức danh hiệu trưởng.
Cụ thể, nếu hiệu trưởng do HĐT quyết định theo cơ chế bầu thì bộ trưởng có thẩm quyền xử lý kỷ luật (Nghị định 112/2020 quy định cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật).
Nếu hiệu trưởng do HĐT quyết định theo cơ chế bổ nhiệm thì HĐT có đủ thẩm quyền xử lý kỷ luật hay không? HĐT là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên lợi ích liên quan, trong khi đó hiệu trưởng lại được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật số 34/2018.
Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể
Bộ Nội vụ nêu ra một mâu thuẫn, đó là Luật số 34/2018 quy định thành viên ngoài trường ĐH chiếm tỉ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của HĐT. Các trường hợp này nếu vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì bộ trưởng không có thẩm quyền xử lý kỷ luật, vì họ không phải là viên chức của trường ĐH công lập thuộc bộ, không thuộc thẩm quyền quản lý của bộ.
Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật, nhất là đối với thành viên HĐT là thành viên ngoài trường ĐH, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể.