Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178 và Nghị định số 67
Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn số 1814/BNV-TCBC ngày 26/4/2025 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tỉnh ủy, thành ủy thành phố trực thuộc Trung ương; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Về xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy
Theo Hướng dẫn, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy là những cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, giải thể, kết thúc hoạt động, tiếp nhận hoặc điều chuyển chức năng nhiệm vụ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với yêu cầu của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị (yêu cầu của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW). Theo đó, việc xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được hiểu trong các trường hợp sau:
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, tiếp nhận hoặc điều chuyển chức năng nhiệm vụ: Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có cơ cấu tổ chức bên trong: Đơn vị tổ chức bên trong nào trực tiếp thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập, tiếp nhận (hoặc điều chuyển) chức năng, nhiệm vụ và biên chế được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cơ cấu tổ chức bên trong thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập, tiếp nhận (hoặc điều chuyển) chức năng, nhiệm vụ và biên chế được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Các tổ chức có tổ chức lại về mô hình tổ chức hoạt động: Các cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lại thành đầu mối thuộc Bộ (bao gồm các đơn vị thuộc hệ thống ngành dọc); các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ tổ chức lại thành Cục và tương đương thuộc Bộ; các Cục và tương đương tổ chức lại thành Chi cục và tương đương; Chi cục và tương đương tổ chức lại thành phòng và tương đương,... được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương được tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức lại theo khu vực liên tỉnh, liên huyện được xác định đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải thể, kết thúc hoạt động thì cơ quan, tổ chức, đơn vị nào giải thể, kết thúc hoạt động thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính các cấp: Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện hợp nhất, sáp nhập thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập được xác định là cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ảnh minh họa.
Đối với đơn vị hành chính cấp huyện chấm dứt hoạt động thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện thực hiện phương án giải thể, chấm dứt hoạt động, hợp nhất, sáp nhập được xác định là cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập thì cán bộ, công chức cấp xã là đối tượng chịu tác động trực tiếp của quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo yêu cầu của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW thì căn cứ Đề án vị trí việc làm, Kế hoạch (hoặc Đề án tinh giản biên chế) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã được ban hành, thực trạng số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cùng với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thực hiện việc đánh giá, sàng lọc đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức, đơn vị những người không đáp ứng theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để làm căn cứ xác định đối tượng hưởng chính sách, chế độ theo quy đinh tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025).
Thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy
Đối với các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan, ngang Bộ thì thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy được xác định theo thời điểm có hiệu lực của Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trường hợp có điều khoản chuyển tiếp thì thực hiện theo điều khoản chuyển tiếp.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của Bộ thì thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy được xác định theo quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thì thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy được xác định theo thời điểm có hiệu lực của Quyết định của UBND cấp tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn đó.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thì thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy được xác định theo quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thời điểm tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) và Điều 4 Thông tư số 01/2025/TT-BNV ngày 17/1/2025 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 02/2025/TT-BNV ngày 4/4/2025) thì đối với những người nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1/7/2025 (ngày có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024) thì hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội như sau: Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.