Đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó rút ngắn thời gian ban hành luật.

Tiếp tục phiên họp thứ 42, chiều 05/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Theo đó, Chính phủ đã thể chế hóa, quy phạm hóa thành các quy định cụ thể trong Dự thảo Luật và tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.

Theo Luật hiện hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện nay bao gồm 26 hình thức, do 16 chủ thể có thẩm quyền ban hành. Với chủ trương đơn giản hóa, tiếp tục tinh gọn đến mức cao nhất hệ thống VBQPPL, trong đó xác định lại thẩm quyền ban hành VBQPPL của một số chủ thể theo Hiến pháp năm 2013 và căn cứ vào định nghĩa mới về VBQPPL quy định tại Điều 2, Dự thảo Luật quy định bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với nội dung đề xuất nêu tại Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị.

Dự thảo Luật quy định thay đổi hình thức từ quyết định Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành sang hình thức thông tư để bảo đảm tính tương đồng, thống nhất với hình thức VBQPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung 01 hình thức VBQPPL do Chính phủ ban hành là nghị quyết để: giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn, áp dụng pháp luật trong một thời gian, phạm vi nhất định thuộc thẩm quyền của Chính phủ; ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: VPQH

So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật quy định tổng số trong hệ thống là 25 hình thức VBQPPL (giảm 01 hình thức) và do 14 chủ thể có thẩm quyền ban hành (giảm 02 chủ thể) - Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nêu rõ.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với cơ quan trình dự án về việc lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã và của HĐND quận; bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; thay đổi hình thức VBQPPL của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần cân nhắc thận trọng việc lược giảm hình thức VBQPPL của UBND quận. Theo bà Nga, UBND quận là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành các hoạt động trên địa bàn, nếu không được giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì có thể sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như thực hiện phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan, tổ chức cấp dưới.

Chính phủ chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật

Điểm mới đáng chú ý khác của Dự thảo Luật là quy định về vai trò của cơ quan trình dự án luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH

Theo Luật hiện hành, Chính phủ và các cơ quan ngoài Chính phủ thực hiện việc đề xuất, xây dựng và trình dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan chỉ đạo chỉnh lý dự án luật và chịu trách nhiệm trực tiếp báo cáo Quốc hội về kết quả giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi lần này, Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình. Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình.

Với việc đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời gian ban hành luật có thể rút ngắn từ 22 tháng xuống 12 tháng. Thời gian để xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn chỉ mất khoảng 1 - 2 tháng (giảm được 6 - 8 tháng).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội cho rằng, quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết cần được thiết kế để tạo sự chủ động, linh hoạt không chỉ cho cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự án mà cả đối với cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và đại biểu Quốc hội, bảo đảm mục tiêu chung về đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác lập pháp.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, thiết kế quy định thời hạn trong quy trình thẩm tra, xem xét, thông qua dự án theo hướng chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, dự án phải được gửi đến các cơ quan của Quốc hội để tổ chức thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; trường hợp gửi chậm hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét để bố trí vào chương trình kỳ họp Quốc hội sau kỳ họp gần nhất.

Thường trực cơ quan thẩm tra cũng cơ bản tán thành với định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản. Trường hợp qua thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội nhận thấy dự án có nhiều nội dung phức tạp còn có ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý thì Quốc hội quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp kế tiếp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là Dự án Luật quan trọng và rất khó. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần lý giải việc Dự án Luật giảm 101 điều so với Luật hiện hành, làm rõ giảm điều luật nào, điều luật nào được bổ sung mới, vì sao phải giảm các điều luật và việc giảm các điều luật có tháo gỡ được vướng mắc trong luật hiện hành hay không.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật được thể hiện như thế nào trong Dự thảo Luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối trong việc soạn thảo dự án luật.

Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, hoàn thiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sắp tới.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doi-moi-quy-trinh-rut-ngan-thoi-gian-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-38024.html