Bỏ phố về quê làm nông dân - cuộc chơi không dành cho những kẻ mộng mơ

Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau/ Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau' - lời trong bài hát 'Này Chill Phết' của Đen Vâu, được không ít bạn trẻ nghêu ngao mỗi khi cảm thấy áp lực hay chán nản cuộc sống ở nơi ''đất chật người đông'. Câu hát tưởng vui ấy lại đang là trào lưu của không ít bạn trẻ tiên phong, trở thành một dòng dịch chuyển việc làm, lao động. Đời muôn ngã rẽ, dù ta chọn con đường nào thì một điều chắc chắn rằng, bài toán lập nghiệp chưa bao giờ thành công với những kẻ mộng mơ.

Anh Hậu trồng gần 1.000 gốc bưởi da xanh.

Buồm muốn căng thì thuyền ắt phải ngược gió

Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh về khu vườn hoa hồng mà Trần Thị Hồng, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) đăng lên mạng xã hội là ai cũng xuýt xoa và muốn một lần được ghé thăm vì khu vườn quá xinh đẹp, thơ mộng. Cũng chính từ 3 khu vườn hoa hồng rộng gần 6.000m2 này, cô kỹ sư công nghệ sinh học đã sản xuất ra và kiếm tiền từ các sản phẩm làm đẹp an toàn cho hội chị em như bột hoa hồng, trà hoa hồng sấy lạnh, nước lau mặt trà xanh hoa hồng, toner hoa hồng, mặt nạ, dầu dưỡng hoa hồng nhị sen... Hồng kể: “Em từng nghĩ sẽ rất thoải mái với cuộc sống ở Hà Nội”. Nhưng cả ngày chỉ đi về giữa nhà và cơ quan, hết soạn báo cáo rồi làm nghiên cứu, cô bối rối trước câu hỏi: “Liệu đây có phải cuộc sống mình mơ ước?”. Dù đã vài lần thay đổi công việc Hồng vẫn cảm thấy tương lai mông lung, bất định. Hồng bắt đầu suy nghĩ về việc rời bỏ thủ đô, tìm kiếm cuộc sống khác. Khi bắt đầu có những thay đổi lớn trong suy nghĩ, Hồng gặp chồng, một kỹ sư nông nghiệp yêu thích công việc làm nông và cũng dành tình yêu đặc biệt cho nông nghiệp sạch, như cô. Sau một thời gian quen biết, hai người kết hôn. Năm 2018, họ quyết định rời thủ đô Hà Nội về Thanh Hóa.

Để duy trì kinh tế, vợ chồng Hồng mở một cửa hàng kinh doanh cây cảnh ở thị trấn Cẩm Thủy. Chồng Hồng làm thêm công việc decor cây xanh cho các công trình. Hàng ngày, họ thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng, đào giếng, xây bể lọc nước, kéo điện... rồi đến cửa hàng, đi làm quần quật 12 - 14 tiếng mỗi ngày, làm không ngơi nghỉ. Ban đầu Hồng trồng hoa chỉ để chơi và thi thoảng phục vụ cho công việc decor của chồng. Khi hoa mới ra bông, Hồng cắt để trang trí nhà cửa, tặng cho người thân vào các ngày lễ đặc biệt... Sau mỗi đợt hoa tàn còn phải cắt tỉa để hoa tạo mầm mới, vì vậy số lượng hoa bị cắt bỏ đi ngày càng nhiều. Thấy xót khi chính tay mình cắt bỏ đi những bông hoa sắp tàn, Hồng lần mò tìm cách tận dụng chúng. Từ đó, mô hình nông nghiệp, dược liệu từ các phụ phẩm cây nông nghiệp như: sả, tràm, quế, hương nhu, tía tô, hoa hồng, hoa sen, húng chanh, bạc hà, trầu không... ra đời.

Xem những hình ảnh xinh đẹp, thơ mộng mỗi ngày nên trước khi bỏ phố về rừng, anh Lê Nhân Hậu ảo tưởng về cuộc sống thôn quê yên bình, không áp lực nhưng rồi... anh đã hơn một lần vỡ mộng. “Làm nông là đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chứ không màu hồng, đẹp đẽ như trên mạng đâu. Đó là điều mình đã thấm thía và rút ra được”, anh Hậu mở đầu câu chuyện.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất đồi - thôn Liên Hiệp, xã Hóa Quỳ (Như Xuân), anh Hậu tự tin trở về với vốn kiến thức học được tại Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Bắt đầu từ 7 ha vườn cây cao su của gia đình, anh cải tạo thành 5 ha trồng keo, 2 ha trồng các loại bưởi, nhiều nhất là bưởi da xanh với hơn 1.000 gốc. Tuy nhiên, ngay những ngày đầu anh đã nếm một vố đau khi mua phải cây giống kém chất lượng, trồng xuống hôm trước hôm sau rũ và héo hết. Anh Hậu nhớ lại: “Nhiều người khuyên từ bỏ và chấp nhận thua lỗ nhưng tôi vẫn quyết tâm bám trụ với suy nghĩ “đâm lao thì phải theo lao, còn nước còn tát”. Với suy nghĩ đó, tôi đã vay mượn khắp nơi, thậm chí cầm sổ đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng mới đủ trang trải chi phí thua lỗ”.

Anh Lê Nhân Hậu giới thiệu về trang trại của mình.

Thất bại ngay từ lần đầu làm nông nghiệp, anh Hậu cảm thấy mệt mỏi và hoang mang; gia đình và người thân cũng rất lo lắng cho việc làm ăn của anh. Tuy vậy, với lòng đam mê, quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình, anh Hậu quyết định làm lại từ đầu, tiếp tục vay vốn để sản xuất nông nghiệp trở lại: đánh đất, lên luống và xuống giống... Phương châm sống của anh đơn giản là “Kiên trì ắt thành công”. Bởi theo anh vấp chỗ nào ta đứng lên từ chỗ đó, đối với nông nghiệp, sản xuất phải dựa vào nhiều yếu tố, đặc biệt là nắm vững kỹ thuật. Vì vậy, khi thất bại thì mình vẫn có niềm tin, khi đam mê, chú tâm về một nghề chắc chắn sẽ thành công.

Vườn bưởi đến nay đã được 3 năm, bắt đầu vụ bói đầu tiên, anh Hậu dự kiến đến tháng 9, tháng 10 năm nay sẽ cho thu hoạch. Trên đồi thì trồng keo, trồng bưởi, dưới ao anh Hậu thả cá nước ngọt, chủ yếu là trắm cỏ. Ngoài ra, anh Hậu còn thuê 3 ha đất dự phòng của xã để trồng 1.500 gốc cam đường canh. Trang trại gia đình anh Hậu đang tạo việc làm cho 6 - 7 lao động thường xuyên, mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ. Hiện nay, anh Hậu còn là Giám đốc HTX Liên Hiệp (Hóa Quỳ), với 12 thành viên. HTX chủ yếu là chăn nuôi, trồng cây ăn quả, liên kết chăn nuôi vịt với Tập đoàn Mavin. Mỗi năm, HTX nuôi 4 - 5 lứa vịt, mỗi lứa khoảng 1,2 vạn con, trung bình xuất bán 40 tấn vịt/lứa.

Cây không tự lớn, gà không tự béo

Ở nông trại của vợ chồng Hồng chưa bao giờ có đồng hồ báo thức. Khi tiếng gáy của chú gà trống cất lên, họ dậy và bắt tay vào công việc như tưới nước, bón phân, hái hoa... Chia sẻ hành trình 5 năm qua, Hồng thừa nhận, có những khoảng thời gian cô vô cùng áp lực. Làm việc quần quật cả năm, vừa làm vừa đầu tư, thu nhập chẳng thấy đâu, chi phí tăng cao khiến vợ chồng Hồng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nhưng dù có vô số những lần thất bại cũng không khiến Hồng nản lòng. "Khi mới bắt đầu, mọi thứ đều là phép thử, em chấp nhận thử, tuổi trẻ có bao nhiêu mà e sợ, cứ tiến về phía trước”, Hồng nói.

Vợ chồng Hồng thường xuyên đăng tải những hình ảnh an yên ở trang trại lên mạng xã hội.

Tất cả mọi phép thử tốt nhất với quá trình trồng và thành phẩm hoa đều được vợ chồng Hồng mạnh dạn ứng dụng. Qua mỗi lần thử nghiệm, Hồng hiểu hơn về đặc tính hoa và tầm quan trọng của hài hòa môi trường sinh thái, từ đó tìm ra hướng phát triển bền vững cho cơ sở của mình. Phép thử thì đắng cay nhưng cho thành quả ngọt ngào. Mới đây, nước cất hoa hồng và trà hoa hồng của nông trại “Hồng Eco Farm” đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. “Có rất nhiều việc khó khăn. Nhưng thành công chắc chắn không dành cho người lười và thiếu kiên nhẫn”, Hồng nói với chồng, cũng như nhắc chính mình.

Đã gặt hái được những thành công nhất định, song anh Hậu vẫn một lần nữa khẳng định, bỏ phố về quê lập nghiệp chắc chắn không phải cuộc chơi cho những kẻ mộng mơ, “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Để có thể sống được với mạo hiểm của mình, cần có kế hoạch, kiến thức sâu về lĩnh vực, và nếu tốt nhất, kế hoạch tài chính “khỏe” sẽ giúp người trẻ đỡ phải chịu áp lực hơn bởi cái giá của khởi nghiệp thất bại rất đắt. Thế nhưng, anh Hậu cũng tự tin chia sẻ: “Cứ gõ đi rồi cửa sẽ mở, chúng ta phải chủ động tiếp cận các nguồn lực, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Hiện nay, có rất nhiều quỹ, nguồn vốn, nguồn lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, quan trọng nhất là mình phải tập trung nắm bắt”.

Theo chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, vài năm trở lại đây thực sự đã có một làn sóng khởi nghiệp với nhiều cơ sở, doanh nghiệp được thành lập và nhiều sản phẩm mới ra đời từ khu vực nông thôn đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Chủ nhân của các dự án này hầu hết đều là người trẻ, có trình độ, được đào tạo trong nước hoặc từ nước ngoài về quê lập nghiệp. Có không ít người tạo dựng được thương hiệu uy tín, danh tiếng, nhưng số người thất bại cũng rất nhiều. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn một cách lạc quan, về quê lập nghiệp vào thời điểm này là một lựa chọn có tính khả thi rất cao khi hầu hết nông sản Việt hiện nay vẫn đang xuất khẩu thô, chưa qua chế biến. Canh tác nông sản của nông dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật nên chi phí cao, chất lượng kém. Những tác động của thời tiết, khí hậu, thủy văn gần đây đòi hỏi người làm nông phải có kiến thức và biết ứng dụng. Nông thôn đang rất cần người trẻ quay về vì lẽ đó. Một lý do khác là từ nhiều năm nay, người tốt nghiệp đại học hằng năm rất nhiều. Việc các đô thị tập trung quá nhiều người có trình độ cao dẫn đến hiện tượng “cử nhân chạy xe ôm, bưng bê”. Về quê lập nghiệp là xu thế tất yếu và rất đáng mừng.

Những sản phẩm làm từ hoa hồng trong nông trại của vợ chồng Hồng.

Để người trẻ có thêm điểm tựa lập thân lập nghiệp ở quê, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ rất thiết thực, cụ thể là Dự án hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một câu lạc bộ doanh nhân dẫn đầu đại diện những doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã, đang theo sát và đỡ đầu những dự án khởi nghiệp bằng cách tư vấn, hỗ trợ vốn, đặt mua sản phẩm. 3 đến 4 năm nay, quà tặng ngày lễ tết của cơ quan Nhà nước và nhiều doanh nghiệp trong tỉnh có 80% là sản phẩm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp đã thực sự gặt hái được thành công ở địa phương, như: kẹo lạc, trà rau má, trà vỏ quýt. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đều được lãnh đạo địa phương ghé thăm, góp ý; mọi ý tưởng khởi nghiệp đều được ghi nhận từ huyện, xã. Sản phẩm làm ra được trình bày trang trọng ở các hội nghị, cơ hội quảng bá sản phẩm cho xã hội biết mình đang làm gì. Đó là vinh hạnh cho người trẻ lập nghiệp, là cú hích để họ yên tâm và tự tin vượt qua những khó khăn bước đầu. Ngoài ra, các chính sách tiếp cận vốn khởi nghiệp từ ngân hàng và chính sách về hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến cũng thoáng hơn. Những điều này đã giúp nhiều bạn trẻ mạnh dạn về quê. Và diện mạo nông thôn đang ngày càng khởi sắc.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/bo-pho-ve-que-lam-nong-dan-cuoc-choi-khong-danh-cho-nhung-ke-mong-mo/196200.htm