Bỏ phố về quê trồng nấm linh chi
Anh Nguyễn Chí Thanh (SN 1994, ngụ ấp 5, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khởi nghiệp thành công với mô hình Trồng nấm linh chi từ 3 không: Không thầy, không kinh nghiệm, không nản lòng.
Anh Thanh tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Trường Đại học Bách Khoa (TP.HCM). Đang ổn định công việc ở một tập đoàn đa quốc gia thì anh “bỏ phố về quê”, mang theo ý tưởng khởi nghiệp với nghề trồng nấm linh chi. Anh Thanh cho biết: “Năm 2017, mẹ vợ tôi bị bệnh nặng kèm theo kém hấp thu thuốc nên rất khó điều trị. Một người bạn mang nấm linh chi đến thăm mẹ và hướng dẫn tôi cách sử dụng. Lúc đó, tôi còn chưa biết nấm linh chi là gì, chỉ nghe người bạn đó nói tốt cho sức khỏe. Sau khi mẹ tôi kiên trì uống theo hướng dẫn thì sức khỏe tốt hơn. Tôi rất bất ngờ trước công dụng của nấm linh chi nên quyết tâm tìm hiểu cách trồng".
Một lòng muốn trồng dược liệu quý trên mảnh đất quê hương, năm 2019, anh Thanh nghỉ việc ở thành phố để trở về quê thực hiện mong muốn. Anh Thanh tâm sự: “Lúc đó, mô hình Trồng nấm linh chi ở địa phương chưa phát triển nên tôi chỉ có thể tìm hiểu cách trồng qua Internet. Những trại nấm khác chia sẻ cách làm kệ, hệ thống tưới, phôi trồng nhưng đều ở mức cơ bản. Khi đã hình dung cách thực hiện, tôi bắt đầu dựng trại với quy mô 60m2 và đặt mua vụ phôi đầu tiên”.
Không có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên 2 vụ nấm linh chi đầu bị mốc, sâu hại dẫn đến thua lỗ nhưng anh Thanh vẫn không nản lòng. Với suy nghĩ “Người khác làm được thì mình làm được, thậm chí có thể làm tốt hơn", anh Thanh kiên trì tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng hiệu quả. Đáp lại sự cố gắng của anh, vụ nấm linh chi thứ 3 đã mang lại lợi nhuận.
Với đặc trưng khí hậu nắng nóng của Long An, mỗi năm, anh Thanh tập trung sản xuất nấm linh chi trong vụ xuân và thu. Loại dược liệu quý này rất “khó chiều” nên mỗi khi vào vụ, anh Thanh thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, ẩm độ để bảo đảm điều kiện cho nấm sinh trưởng tốt. Nguồn nước ở trại nấm phải được lọc, kiểm tra độ pH đạt chuẩn để không ảnh hưởng tới dinh dưỡng phôi trồng.
Dựa vào kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm, anh Thanh quyết định nâng quy mô trại lên 150m2. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng NLC được nâng cao. Với giá bán lẻ từ 900.000-1.500.000 đồng/kg, mỗi vụ nấm linh chi, anh Thanh có lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng.
Sản phẩm nấm linh chi của anh Thanh được phân phối tại nhiều nhà thuốc ở địa phương và TP.HCM. Sắp tới, anh Thanh cùng vợ sẽ xây dựng kênh bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường.
Anh Thanh chia sẻ: “Sắp tới, tôi sẽ phát triển thêm nhiều chế phẩm từ nấm linh chi như trà túi lọc, viên nang hoặc các sản phẩm nấm linh chi kết hợp với nhân sâm, mật ong”. Anh Thanh cho biết thêm, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng những ai muốn phát triển mô hình Trồng nấm linh chi./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bo-pho-ve-que-trong-nam-linh-chi-a177294.html