Bỏ phố về quê trồng nấm mối đen

Sau 2 năm làm việc tại các công ty chuyên về thực phẩm tại TP.HCM và TP.Biên Hòa, anh Phan Tuấn Anh (ở ấp Thoại Hương, xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp với mô hình trồng nấm mối đen.

Anh Phan Tuấn Anh (giữa) giới thiệu với đoàn viên thanh niên về quy trình trồng nấm mối đen. Ảnh: N.Sơn

Anh Phan Tuấn Anh (giữa) giới thiệu với đoàn viên thanh niên về quy trình trồng nấm mối đen. Ảnh: N.Sơn

Đối với vùng đất chuyên trồng các loại cây lương thực ngắn ngày như xã Xuân Đông, trồng nấm mối đen được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương.

* Hướng đi mới trong phát triển kinh tế

Anh Tuấn Anh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THPT, anh lựa chọn học ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Từ khi còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, anh đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp. Vì vậy, trong thời gian học đại học, anh đã theo các giảng viên thực hiện nuôi cấy mô để có cơ hội tìm hiểu về quy trình nuôi cấy mô, nuôi cấy đông trùng hạ thảo.

Tuy nhiên, để có thêm thời gian nghiên cứu, tích lũy thêm kinh nghiệm, sau khi tốt nghiệp đại học (năm 2018), anh Tuấn Anh vào làm việc tại một doanh nghiệp chuyên cung cấp các bữa ăn tập thể trong các doanh nghiệp tại TP.HCM. Được khoảng 1 năm, anh chuyển về TP.Biên Hòa sinh sống và làm việc tại một doanh nghiệp chuyên về chế biến thực phẩm.

Anh Tuấn Anh cho biết, vừa đi làm, anh vừa tìm hiểu rất nhiều mô hình khởi nghiệp từ chăn nuôi đến trồng trọt. Anh nhận thấy nấm mối đen có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, nhất là những người ốm yếu, suy nhược… nên đã liên hệ với các trại trồng nấm mối đen ở các tỉnh, thành lân cận để đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Từ khi còn là sinh viên, anh Phan Tuấn Anh đã tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, các dự án khởi nghiệp; tham gia các mô hình về nuôi cấy mô, trồng đông trùng hạ thảo… Anh cho biết, việc tham gia này đã giúp anh có được những ý tưởng mới về khởi nghiệp sau này.

Tháng 7-2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.Biên Hòa, anh về nhà ở H.Cẩm Mỹ tránh dịch. “Tôi vừa về tới nhà thì nghe tin TP.Biên Hòa phong tỏa để phòng, chống dịch. Dịch bệnh khi đó rất phức tạp, chưa biết khi nào sẽ trở lại với công việc nên tôi tranh thủ thời gian dịch bệnh để bắt tay khởi nghiệp” - anh Tuấn Anh cho hay.

Tuy nhiên, trồng nấm mối đen đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Một trại nấm có diện tích 60m2 tiêu tốn khoảng 150 triệu đồng chi phí xây dựng trại, lắp đặt trang thiết bị. Thời điểm ấy, ngoài số vốn từ gia đình hỗ trợ, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư trại. Tháng 9-2021, anh bắt đầu nhập mẻ phôi nấm đầu tiên.

Mặc dù đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về quy trình nuôi trồng nấm mối đen nhưng thời gian mới bắt tay vào làm, anh gặp không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến năng suất của nấm. Sau nhiều ngày ăn ngủ cùng nấm, anh đã đúc rút ra cho mình những kinh nghiệm chăm sóc nấm.

Theo chia sẻ của anh Tuấn Anh, để cây nấm có chất lượng, đạt năng suất cao, nguồn phôi phải đảm bảo, môi trường nuôi trồng trong phòng lạnh nên tuyệt đối đảm bảo không để phát sinh nguồn bệnh. Để không phát sinh nguồn bệnh, trước khi vào phòng phải khử khuẩn cơ thể, dụng cụ; trước khi đưa phôi mới nhập vào trồng phải có một khoảng thời gian đưa phôi vào phòng nuôi trồng sạch sẽ để xử lý toàn bộ mầm bệnh… Nhờ vậy, sau gần 2 năm khởi nghiệp, đến nay anh đã sở hữu 2 trại trồng nấm mối đen. Sau khi trừ chi phí, mỗi trại cho thu nhập bình quân từ 80-90 triệu đồng/tháng.

* Muốn đóng góp nhiều hơn cho địa phương

Không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình mà trại nấm của anh Tuấn Anh đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương thông qua việc thu hoạch, sơ chế nấm.

Là một trong những người gắn bó với trại nấm mối đen của anh Tuấn Anh từ những ngày đầu, anh Phan Ngọc Minh (23 tuổi, cùng ngụ ấp Thoại Hương) cho biết, công việc của anh là thu hoạch nấm. Công việc này chủ yếu làm vào buổi sáng và chiều tối nên ban ngày anh vẫn có thể làm thêm công việc khác. Tiền công được tính theo sản lượng nên bình quân anh có thu nhập từ 200-300 ngàn đồng/ngày.

Là người đầu tiên triển khai mô hình trồng nấm mối đen đem lại thu nhập cao trên địa bàn nhưng anh Tuấn Anh không giữ riêng cho mình mà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm mối đen cho những ai có nhu cầu. Hiện tại, anh đang hỗ trợ kỹ thuật cho 4 hộ trong xã và 2 hộ ngoài xã triển khai trồng nấm mối đen.

Không dừng lại ở số hộ được hỗ trợ kỹ thuật, anh Tuấn Anh còn mong muốn nhân rộng mô hình trồng nấm mối đen tại địa phương, tiến tới thành lập một HTX trồng nấm mối đen trên địa bàn xã vừa để cung cấp nguồn nấm ổn định, vừa giúp cho người nông dân nơi anh sinh ra có nguồn thu nhập cao để cải thiện cuộc sống. “Hiện địa phương cũng đang hỗ trợ, hướng dẫn tôi làm thủ tục hồ sơ đăng ký sản phẩm theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” - anh Tuấn Anh cho biết.

Ngoài mô hình nấm mối đen, anh còn đang ấp ủ dự định thành lập các mô hình hữu cơ liên quan đến nấm.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Xuân Đông Trương Thị Lệ nhận định, trồng nấm mối đen là mô hình mới của địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao. Với Đoàn Thanh niên xã, đây là mô hình khởi nghiệp hiệu quả và sẽ đề xuất với anh Tuấn Anh tổ chức cho đoàn viên thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp ngay tại quê nhà tham quan, học tập kinh nghiệm.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202306/bo-pho-ve-que-trong-nam-moi-den-3169918/