'Bỏ quên' các trung tâm giáo dục hòa nhập ở Thanh Hóa
Nhiều trung tâm giáo dục hòa nhập ở tỉnh Thanh Hóa đã hoạt động cả chục năm, nhưng đến nay chủ các cơ sở vẫn 'mò mẫm' đi tìm hành lang pháp lý.
Gian nan tìm hành lang pháp lý
Được xem là trung tâm can thiệp trẻ chuyên biệt lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Giáo dục chuyên biệt Phúc Tâm An (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) hoạt động hơn 13 năm với 7 cơ sở nằm ở nhiều huyện khác trên địa bàn. Trung tâm có hơn 60 giáo viên và có khoảng 100 học sinh.
Theo bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên hỗ trợ giáo dục Phúc Tâm An (TP Thanh Hóa), trung tâm đang hoạt động dưới dạng công ty. Giáo viên dạy được trung tâm tuyển dụng, đào tạo ở các ngành như: Giáo dục đặc biệt, sư phạm mầm non, tiểu học, tâm lý, công tác xã hội, y tế…
Theo chủ cơ sở này, cơ quan chức năng chỉ đến kiểm soát về công tác phòng cháy chữa cháy, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ở bếp ăn bán trú. Liên quan đến chuyên môn, phương pháp dạy ra sao, nhân sự ở đây có đủ điều kiện giảng dạy trẻ chuyên biệt hay không thì không có bất cứ đơn vị nào kiểm tra giám sát.
“Công ty chúng tôi được Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép hoạt động. Trong đó có lĩnh vực giáo dục trẻ chuyên biệt. Chúng tôi vẫn biết hoạt động như thế này là đang sai quy định. Lý do, mỗi trung tâm sẽ phải có cấp phép hoạt động riêng. Tuy nhiên, nhiều năm qua tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng xin được hướng dẫn làm thủ tục pháp lý, nhưng không có đơn vị nào hướng dẫn thủ tục quy trình ra sao.
Về chuyên môn, dù không có đơn vị nào kiểm tra, giám sát, nhưng chúng tôi cũng luôn cố gắng làm tốt nhất. Do tham gia vào nhóm trong mạng lưới toàn quốc nên trung tâm cũng được các chuyên gia cố vấn về bài giảng, phương pháp dạy…”, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên hỗ trợ giáo dục Phúc Tâm An cho biết.
Thực tế cho thấy, các trung tâm rất muốn có một đơn vị trực tiếp quản lý, ít nhất là định hướng và kiểm soát chuyên môn. Không khó để bắt gặp nhiều cơ sở, công nhân thất nghiệp cũng đi học chứng chỉ về dạy. Điều này sẽ khiến phụ huynh mất phương hướng.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên hỗ trợ giáo dục Phúc Tâm An cũng thông tin, vừa tiếp tục làm đề án và hồ sơ đang nằm ở Sở Nội vụ Thanh Hóa. Nhưng không biết đến bao giờ mới đi đến cuối cùng các quy trình để được cấp phép.
Tương tự như trung tâm của bà Thủy, Trung tâm Giáo dục trẻ chuyên biệt “Bầu Trời Xanh” (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa) hiện cũng có 3 cơ sở với 100 trẻ và 20 giáo viên.
Bà Trần Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH hỗ trợ giáo dục chuyên biệt Bầu Trời Xanh cũng cho biết: “Chúng tôi rất muốn làm đúng pháp lý. Khi lên Sở GD&ĐT thì họ bảo sang Sở LĐ-TB&XH. Sang Sở LĐ-TB&XH thì họ bảo… chờ. Lý do, chưa có hướng dẫn nào từ cấp trên. Và đến giờ chúng tôi cũng không biết mò mẫm như thế nào”.
Cũng theo bà Dung, khi hoạt động dưới dạng công ty thì khó có các dự án, các nguồn đầu tư để mở rộng, phát triển mô hình can thiệp... Tuy nhiên, nếu là trung tâm cho trẻ khuyết tật thì đối tượng trẻ sẽ được các cá nhân hay các tổ chức phi chính phủ quan tâm, hỗ trợ.
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, hầu hết các trung tâm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang dạy trẻ chuyên biệt đều chung tình trạng trên. Họ mong muốn có hành lang pháp lý, có một đơn vị Nhà nước đứng ra giám sát hoạt động. Nhưng, cho đến nay các chủ trung tâm vẫn đang tự chịu trách nhiệm về chuyên môn cũng như mọi hoạt động liên quan đến can thiệp, hỗ trợ trẻ chuyên biệt.
Sở, ngành lúng túng!
Chia sẻ về việc hoạt động giáo dục, nhưng không được giám sát về chuyên môn, bà Thiều Thị Duyên, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho biết, dưới góc độ quản lý, phòng cũng rất trăn trở về vấn đề này.
Theo bà Duyên, thành phố Thanh Hóa là địa bàn tập trung nhiều nhất các cơ sở dạy trẻ chuyên biệt của tỉnh Thanh Hóa. Phòng không được giao kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động liên quan đến những hoạt động như kể trên.
“Theo nắm bắt sơ bộ thì trên địa bàn TP Thanh Hóa có khoảng gần 20 cơ sở hoạt động dạy trẻ chuyên biệt. Các cơ sở khi thành lập rất lúng túng, không có hướng dẫn, không biết đi theo hướng nào. Họ đành phải hoạt động dưới dạng công ty.
Nhiều cơ sở tồn tại suốt nhiều năm qua trên địa bàn thành phố cũng như các địa phương trong tỉnh. Tại TP Thanh Hóa các cấp quản lý của địa phương (từ thành phố đến phường xã) gặp khó khăn trong quản lý Nhà nước cũng như hoạt động chuyên môn”, bà Duyên thông tin.
Liên quan đến vấn đề trên, Báo GD&TĐ đã làm việc với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa. Nhưng các đơn vị này đều chung quan điểm: Không nắm bắt, không quản lý và không giám sát.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, sở chỉ quản lý đối tượng khuyết tật nặng, đối tượng bảo trợ, không có người nuôi dưỡng. Còn các trung tâm dạy trẻ chuyên biệt thì sở không nắm và không quản lý.
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa khẳng định, hiện nay sở không quản lý các trung tâm này.
“Các đối tượng đều được các trường công lập tiếp nhận vào học và có cơ chế chính sách cho giáo viên dạy đối tượng là trẻ khuyết tật. Sở không cấp phép cho các trung tâm nên không quản lý. Sở sẽ hỏi Bộ GD&ĐT về việc này? Đơn vị nào sẽ cấp phép?”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nói
Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT ngày 28/12/2022 quy định: Trách nhiệm của Sở GD&ĐT là quản lý, chỉ đạo hoạt động của các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên địa bàn; chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan đi kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý khi có vi phạm; công khai các trung tâm được cấp phép; hàng năm đánh giá tình hình hoạt động báo cáo UBND tỉnh…