Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị cử tri về tuyển nghĩa vụ quân sự
Bộ Quốc phòng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của gia đình đối với công dân được gọi nhập ngũ.
Vừa qua, thông qua Cổng thông tin điện tử, Bộ Quốc phòng cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình về vấn đề tuyển nghĩa vụ quân sự.
Theo đó, cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung một số quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng: Quy định về trách nhiệm của gia đình đối với công dân được gọi nhập ngũ; quy định cụ thể chế tài có đủ sức răn đe đối với công dân cố tình không có mặt tại địa phương trong thời gian tuyển quân; quy định sinh viên sau tốt nghiệp cao đẳng, đại học gọi nhập ngũ tại trường.
Đồng thời xem xét nâng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm về nghĩa vụ quân sự nhằm giáo dục, răn đe phòng ngừa vi phạm, góp phần giúp cho công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đạt hiệu quả hơn, phù hợp với thực tiễn.
Về kiến nghị trên, Bộ Quốc phòng cho biết, Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 năm 2015 chưa có quy định trách nhiệm cụ thể của gia đình đối với công dân được gọi nhập ngũ; do vậy, tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của gia đình đối với công dân khi thực hiện nghĩa vụ quân sự để góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển quân hằng năm.
Về các nội dung khác, theo Bộ Quốc phòng: Việc xử lý đối với trường hợp công dân cố tình không có mặt tại địa phương (cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự) trong thời gian tuyển quân đã được quy định tại Điều 7 Nghị định 37/2022 của Chính phủ.
Việc tăng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ quân sự, Bộ Quốc phòng cũng đã tham mưu tăng so với quy định cũ khi Chính phủ ban hành Nghị định 37 nêu trên.
Đáng chú ý, đối với kiến nghị quy định sinh viên sau tốt nghiệp cao đẳng, đại học gọi nhập ngũ tại trường, Bộ Quốc phòng cho biết, theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 13/2016 quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự; sinh viên sau khi tốt cao đẳng, nghiệp đại học bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập với cơ quan quân sự địa phương nơi cư trú; do đó việc gọi nhập ngũ tại trường là không phù hợp (vì lúc này sinh viên không còn thuộc trách nhiệm quản lý của các cơ sở đào tạo).