Bỏ quỹ bình ổn xăng dầu liệu có 'ổn'?
Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bỏ quỹ Bình ổn giá để đưa xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Liệu rằng trong bối cảnh hiện nay việc bỏ quỹ đã phù hợp, bởi thời gian qua Bộ Công Thương nhiều lần khẳng định việc giữ giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn thế giới một phần là nhờ có Quỹ này.
Còn nhớ, trong thời gian qua, Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu nhiều lần vấp phải tranh cãi về việc có nên giữ hay bỏ. Tuy nhiên, khi sửa đổi Nghị định 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn quyết định giữ quỹ BOG xăng dầu.
Người dân nộp tiền để bình ổn giá xăng dầu
Trong các văn bản về điều hành xăng dầu, Bộ Công Thương đều nhấn mạnh tới ý nghĩa của quỹ BOG trong việc hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho hay Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm BOG xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 01/6/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 45,87 - 63,69% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 01/6/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 27,74 - 47,89%.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ Quỹ BOG để xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến hết quý I/2022 (đến hết ngày 31/3/2022), số dư quỹ BOG âm ở mức 169,920 tỷ đồng.
Số liệu cập nhật tới đầu tháng 6 của một số doanh nghiệp (DN) đầu mối cho thấy, số âm của Quỹ ngày càng lớn. Trong đó, Quỹ BOG tại Petrolimex - 49 tỷ đồng; Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) -1.013,37 tỷ đồng... Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng việc xem xét bỏ Quỹ BOG trong thời gian tới là phù hợp.
Phó Tổng thư ký VCCI, Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh Tuấn thẳng thắn cho rằng Quỹ BOG xăng dầu hiện nay của Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền để bình ổn giá cho mình, trong khi thông lệ các nước không làm như vậy.
Trong bối cảnh, nhiều quỹ BOG xăng dầu tại các tập đoàn lớn bị âm, ông Tuấn cho rằng điều này dẫn tới rủi ro lớn cho DN. DN lỗ quá, thiếu vốn thì đẩy sang ngân hàng (tức là DN đi vay ngân hàng và chịu lãi suất), sau này khấu trừ. Cơ chế này dẫn đến tình trạng là toàn bộ gánh nặng bình ổn, như buộc DN phải gánh khoản âm Quỹ, chịu lỗ để bù giá. Dù hiện nay Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có tách khoản âm quỹ này (và lãi suất đi vay) ra riêng, DN có đỡ hơn trước nhưng số âm quỹ này DN phải chịu là rất lớn.
Phó Tổng Thư ký VCCI đánh giá, với cách quản lý này nên xăng dầu trong nước chưa vận hành theo cơ chế thị trường minh bạch và dễ tiên liệu, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới. Có tình trạng giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng nhanh hay chậm theo mong muốn của nhà điều hành. Ngược lại khi giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm tương ứng vì bị neo giá trong nước ở mức cao, lấy thặng dư này để bù vào âm Quỹ. Điều này chưa phù hợp với thị trường.
"Có DN cho biết, nguồn cung xăng dầu căng thẳng thời gian tháng 2, tháng 3/2022 vừa rồi không hẳn do xăng dầu thiếu mà do lợi ích của các DN trong mạng lưới xăng dầu không được đảm bảo, họ bán nhưng với chiết khấu bằng 0, càng bán càng lỗ. Cơ chế quản lý xăng dầu hiện nay là không thể đảm bảo được nguồn cung xăng dầu tốt khi hệ thống bán lẻ và phân phối xăng dầu hoạt động chưa theo động lực từ thị trường, méo mó và rủi ro", ông Tuấn một lần nữa nhấn mạnh.
Đã tới thời điểm bỏ quỹ?
Liên quan tới vấn đề của Quỹ BOG xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng thực tế Quỹ BOG không cần thiết khi giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, do đó Luật Giá cần tính tới việc bỏ quỹ này.
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Bảo cho hay DN cũng không được lợi hay bổng lộc gì từ Quỹ BOG, nếu DN nào sử dụng âm thì sẽ nợ đọng ngân hàng. Đây là điều mà các DN đầu mối không hề mong muốn.
Từ góc độ quản lý về vĩ mô của Nhà nước, Quỹ là công cụ kiểm soát tăng giá, vai trò là cần thiết, nhưng đứng ở góc độ DN, ông Bảo cho rằng DN không cần bởi không được lợi. Việc duy trì quỹ khiến DN phải bố trí thêm nhân sự trong hệ thống để theo dõi hoạt động của quỹ.
Tuy nhiên, để hướng tới bỏ Quỹ BOG, ông Bảo cho rằng giá xăng dầu nên được điều chỉnh hàng ngày. Xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường thì chẳng có lý do gì để tồn tại Quỹ BOG xăng dầu.
Tuy nhiên, vị đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị cần rà soát, kiểm soát giá chặt chẽ, tạo nguồn cung chủ động ngăn chặn DN làm giá nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Tự Lực I, Hà Nội, việc nhiều quỹ BOG tại DN xăng dầu đầu mối lớn bị âm sẽ rất khó để kéo giảm giá xăng dầu trong nước trong thời gian tới khi giá thế giới lên cao. Theo đó, ông nhìn nhận có lẽ trong bối cảnh này "van điều tiết" hiệu quả nhất là giảm thuế, phí với mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, cân nhắc kiến nghị về giảm thêm thuế bảo vệ môi trường.
Bộ Tài chính cũng vừa gửi đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cho rằng đề xuất này thuộc về cân đối vĩ mô, nguồn thu, sau khi được Chính phủ xem xét sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Hiện thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 2.000 đồng/lít và với các mặt hàng dầu còn 1.000 đồng/lít.
Vì thế, ông Bảo nhìn nhận, bên cạnh việc rà soát giảm, cắt hoặc bỏ thuế thì cần chính sách an sinh hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động lớn nhất khi giá xăng dầu tăng, ví dụ như ưu đãi cơ chế, giảm phí, thuế thu nhập DN cho DN vận tải nhằm hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.
"Muốn giảm giá xăng dầu nhanh thì chỉ còn mỗi cách là giảm thuế, nhưng đòi hỏi phải có quá trình đánh giá tác động đa chiều bởi nếu ban hành quy định này thì phải xác định được khả năng điều hành xăng dầu trong nước, kiểm soát giá và chống buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài", Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu lưu ý.
Ông Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương
Nếu không sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ BOG thì thời gian qua giá xăng dầu trong nước không thể tăng thấp hơn thế giới. Việc duy trì Quỹ BOG là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số DN đầu mối lớn âm quỹ, cần nghiên cứu giảm các loại thuế phí để giảm giá xăng dầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tính đến các loại quỹ như an sinh, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm đối tượng yếu thế trước tác động của giá xăng dầu.
TS. Nguyễn Đức Độ
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)
Tôi đã nhiều lần phản đối việc duy trì quỹ BOG xăng dầu, bởi việc vận hành, sử dụng, quản lý rất phức tạp, đòi hỏi sự minh bạch. Hơn nữa, Quỹ thực sự chỉ có ý nghĩa khi giá xăng dầu tăng nhẹ, chứ còn tăng liên tục như hiện nay thì không có đủ nguồn lực, không có nhiều ý nghĩa. Diễn biến thị trường giá xăng dầu nên để thị trường quyết định.
Ông Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
Quỹ BOG giá xăng dầu hình thành và áp dụng từ năm 2009, trong 13 năm hoạt động, theo đánh giá ở những thời điểm nhất định, Quỹ có vai trò giúp giảm đà tăng giá xăng dầu cũng như các tác động bất lợi của giá xăng dầu đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay dường như Quỹ BOG xăng dầu đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình. Dẫn tới, Quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/bo-quy-binh-on-xang-dau-lieu-co-on-1086114.html