Bỏ sổ hộ khẩu: Người thoăn thoắt, người lúng túng khi làm thủ tục hành chính, dịch vụ công
Sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy khi làm các dịch vụ công được triển khai áp dụng. Ghi nhận tại một số nơi cho thấy, phần lớn người dân dễ dàng tiếp cận, hoàn thành thủ tục một cách nhanh chóng, song vẫn còn người lúng túng cần sự hỗ trợ, hướng dẫn.
Người dân còn lúng túng, chính quyền bố trí nhân lực hỗ trợ
Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, do vào ngày nghỉ Tết Dương lịch, nên phải tới ngày 3/1, người dân mới có thể đi làm các thủ tục hành chính theo các quy định mới của Luật Cư trú năm 2020 về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Ghi nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội vào cùng ngày, nhiều người dân đến làm các thủ tục như đăng ký kết hôn, khai sinh cho con cái, khai tử cho người thân, đăng ký kinh doanh…
Anh Dương Đức Nghĩa (trú tại quận Hoàn Kiếm) cho biết bản thân đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể. Anh chỉ cần mang theo CCCD gắn chip và đăng nhập vào phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ cá thể của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội thông qua hệ thống máy tính rồi điền các thông tin cần thiết theo hướng dẫn.
“Khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an, tôi chỉ cần gõ họ tên, số CCCD, mã số định danh điện tử thì các thông tin cá nhân được hiển thị một cách chính xác và nhanh chóng, giúp giảm bớt thời gian và các loại giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính” - anh Nghĩa chia sẻ.
Tuy nhiên, theo anh Nghĩa một số thủ tục hiện nay vẫn chưa được kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên còn phải kê khai nhiều trường thông tin như việc đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
Anh Nghĩa mong muốn, trong thời gian tới các bộ, ngành và địa phương sớm số hóa dữ liệu, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, như vậy người dân, doanh nghiệp sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Chị Phạm Kim Chi (trú tại Hoàn Kiếm) cùng chồng người nước ngoài tới làm thủ tục đăng ký kết hôn chỉ với CCCD và đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia làm theo các hướng dẫn để hoàn thành thủ tục một cách nhanh chóng.
Còn ông T.H (50 tuổi) đến trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội để làm thủ tục khai tử cho người thân, cho biết có nắm được quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng ông vẫn mang theo sổ hộ khẩu để đi làm thủ tục "cho chắc".
Khi đến phòng giao dịch một cửa, ông H. tỏ ra lúng túng khi lần đầu tiếp cận thủ tục trực tuyến. Sau đó, cán bộ UBND phường đã hướng dẫn ông H. đã sang trụ sở Công an phường Dịch Vọng Hậu để xin cấp giấy xác nhận cư trú, nhằm thay thế cho sổ hộ khẩu đã hết giá trị sử dụng. Sau khi khai báo và được cấp giấy xác nhận, ông H. hoàn thành thủ tục và chờ trả kết quả.
Trong ngày đầu thực hiện Luật Cư trú 2020, tại một số đơn vị hành chính được bố trí thêm đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân kê khai, đăng nhập vào tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, các nhóm mạng xã hội để người dân trên địa bàn các phường nắm được thông tin về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy cũng như hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh và xác thực điện tử trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an cũng phát huy được hiệu quả rõ rệt.
7 cách khai thác thông tin thay thế sổ hộ khẩu giấy
Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) cho biết, hiện nay có 7 phương thức khai thác thông tin công dân thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Theo đó, có thể tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú.
Khi thực hiện các thủ tục có thể sử dụng thiết bị đọc mã QR-code trên thẻ CCCD gắn chip hay sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD gắn chip.
Người dân cũng có thể sử dụng thông tin tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an để thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Đối với tài khoản định danh điện tử mức 2, người dân đến trực tiếp trụ sở công an nơi cư trú cung cấp CCCD, số điện thoại, địa chỉ gmail cho cán bộ công an tiếp nhận, xử lý. Trong khi đó, người dân cũng có thể đăng kí ở mức 1 thông qua điện thoại thông minh có kết nối mạng bằng cách tải app VNeID đăng ký bằng số CCCD và số điện thoại...
Ngoài ra, công dân khi cần giấy xác nhận về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do công an xã nơi công dân cư trú cấp.
Theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi… người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ như CCCD, CMND, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...