Bỏ sổ hộ khẩu, thủ tục đăng ký khai sinh có gì khác?
Thủ tục đăng ký giấy khai sinh hiện nay đã bãi bỏ quy định về xuất trình giấy tờ chứng minh cư trú.
Gia đình tôi đang ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Vợ tôi mới sinh con. Tôi xin hỏi khi đăng ký khai sinh cho con có khác lúc chưa bỏ sổ hộ khẩu giấy hay không? Thủ tục ra sao?
Bạn đọc Đức Quân, TP Thủ Đức, hỏi.
Luật sư Ngô Minh Trực, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Để chứng minh nguồn gốc của một cá nhân thì giấy khai sinh là một trong giấy tờ có giá trị pháp lý cao nhất. Mọi giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong giấy khai sinh thì phải điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh.
Việc làm đăng ký khai sinh cho trẻ là rất quan trọng, là cơ sở để sau này khi trẻ lớn lên được cấp CCCD và nhiều loại giấy tờ quan trọng trong cuộc sống. Giấy khai sinh là điều kiện đầu tiên để trẻ được đến trường.
Bạn có thể lựa chọn, đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền hoặc làm thủ tục đăng ký khai sinh online thông qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Hiện nay, khi bạn lựa chọn đến cơ quan có thẩm quyền làm giấy khai sinh cho con thì hồ sơ bạn chuẩn bị có thay đổi so với lúc chưa bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Trước kia, khi chưa bỏ sổ hộ khẩu giấy thì người đi đăng ký khai sinh phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú theo quy định tại Điều 9, Nghị định 123/2015: "Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú".
Tuy nhiên, quy định hiện hành đã bãi bỏ yêu cầu về xuất trình giấy tờ chứng minh cư trú (theo khoản 2, Điều 13, Nghị định 104/2022). Vì vậy, bây giờ bạn đi làm giấy khai sinh cho con thì không cần phải xuất trình giấy tờ chứng minh cư trú như đã nêu trên.
Hồ sơ đăng ký khai sinh
Theo quy định hiện hành thì hồ sơ khi làm đăng ký khai sinh cho con như sau:
Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu được ban hành theo Thông tư 04/2020/TT-BTP;
- Giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh (khoản 2 Điều 16 Luật hộ tịch 2014).
Giấy tờ phải xuất trình:
Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân của người yêu cầu làm giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân (khoản 1 Điều 2 nghị định 123/2015)
Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
Điều 13, Luật Hộ tịch 2014 quy định cha, mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ sẽ làm Giấy khai sinh cho con tại UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ.
Thủ tục đăng ký khai sinh.
Thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 3, thông tư 04/2020/TT-BTP, cụ thể như sau:
Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn ngay để người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định.
Trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì người tiếp nhận phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.
Người tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận đúng, đủ hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm giấy tờ mà pháp luật hộ tịch không quy định phải nộp.
Người yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc (sau đây gọi là bản sao) hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. Trường hợp người yêu cầu nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao giấy tờ đó.
Đối với giấy tờ xuất trình khi đăng ký hộ tịch, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong tờ khai, chụp lại hoặc ghi lại thông tin để lưu trong hồ sơ và trả lại cho người xuất trình, không được yêu cầu nộp bản sao hoặc bản chụp giấy tờ đó.
Khi trả kết quả đăng ký hộ tịch, người trả kết quả có trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra nội dung giấy tờ hộ tịch và Sổ hộ tịch.
Nếu người yêu cầu đăng ký hộ tịch thấy nội dung đúng, phù hợp với hồ sơ đăng ký hộ tịch thì ký, ghi rõ họ, tên trong Sổ hộ tịch theo hướng dẫn của người trả kết quả.
Ngoài ra, bạn có thể chọn hình thức đăng ký khai sinh online như sau:
Bạn có thể truy cập https://dichvucong.gov.vn và thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Đăng nhập bằng tài khoản tương ứng. Nếu chưa có tài khoản, người dùng có thể đăng ký tài khoản.
Bước 2: Chọn mục Đăng ký khai sinh thông thường (khối xã) trong nộp trực tuyến.
Bước 3: Điền đầy đủ thông tin vào tờ khai đăng ký khai sinh trực tuyến, đính kèm ảnh chụp giấy chứng sinh, CMND/CCCD, hộ chiếu, đăng ký kết hôn của cha, mẹ (nếu có)...
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-so-ho-khau-thu-tuc-dang-ky-khai-sinh-co-gi-khac-post724139.html