Bổ sung 4 dự án luật vào chương trình kỳ họp thứ mười của Quốc hội
Sáng 10-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ mười (tháng 10-2025).
Chính phủ đề xuất xây dựng 2 dự án: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) và Luật Thương mại điện tử theo trình tự, thủ tục thông thường; đề xuất xây dựng 2 dự án: Luật Giám định tư pháp (thay thế) và Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Báo cáo ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật - Tư pháp và các cơ quan tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật, gồm: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật An ninh mạng (sửa đổi); Luật Thương mại điện tử; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ mười.
Về việc xác định luật “sửa đổi” hay “thay thế”, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp tục áp dụng như thông lệ từ trước đến nay, đối với các dự án luật sửa đổi toàn diện để thay thế luật hiện hành thì gọi là luật (sửa đổi), đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều thì tên luật cũng phản ánh đúng phạm vi sửa đổi, bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm, nếu cơ quan soạn thảo chuẩn bị thật kỹ, thật tốt, có chất lượng thì sẽ trình dự án luật theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
Tại phiên họp, với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc đưa 4 dự án luật nêu trên vào chương trình kỳ họp thứ mười; trong đó dự án Luật Giám định tư pháp và Luật An ninh mạng được trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn.