Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 90 nội dung, sẽ đánh giá công tác nhiệm kỳ vào cuối năm
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10-11 tới đây, Chính phủ dự kiến trình ra Quốc hội 90 nội dung - một khối lượng công việc rất lớn…

Quang cảnh phiên họp
Ngày 10-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên 47, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng như: Phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6 năm 2025; tổng kết Kỳ họp thứ 9; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 tới đây…
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 1,5 tháng với 30 ngày làm việc, được tổ chức theo 2 đợt họp, thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp khoảng từ 7 - 9 ngày.
Trong đó, đợt 1 kéo dài khoảng 20 ngày, chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn. Đợt 2 sẽ kéo dài khoảng 10 ngày, chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại phiên họp
Ông Tùng cho biết thêm, kỳ họp cuối năm này sẽ dành 14,25 ngày cho công tác lập pháp. Đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, nội dung này cũng sẽ được bố trí làm việc trong 14,25 ngày…
Đặc biệt, Quốc hội cũng sẽ thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước…
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 10, Chính phủ dự kiến trình 90 nội dung - một khối lượng công việc rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực, các cơ quan chủ động rà soát tổng thể nội dung, đề xuất và hoàn tất tài liệu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa việc bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung sát kỳ họp hay trong thời gian diễn ra kỳ họp.
"Thời gian tới, ngoài phiên họp thường kỳ, có thể UBTVQH phải bố trí các phiên họp khác đầu tháng 8, hoặc cuối tháng 8; UBTVQH không tổ chức chất vấn tại phiên tháng 8 để các cơ quan tập trung các nội dung lập pháp và tổng kết nhiệm kỳ" - Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh: khối lượng công việc trong chương trình công tác quý III và các phiên họp tháng 8, 9 của UBTVQH rất nhiều.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng báo cáo công tác nhiệm kỳ của cơ quan mình, gửi sớm tài liệu để trình UBTVQH xem xét trong tháng 8/2025; tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 10.
Cử tri lo lắng về tình trạng hàng giả, việc tăng giá bán lẻ điện
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội
Theo Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6-2025 được trình bày tại phiên họp, cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thuận, thống nhất cao với chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng; việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ làm tăng chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân; tình trạng cháy nổ vẫn diễn ra, nhiều vụ gây thiệt hại lớn về người và tài sản; việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp chia tách thửa đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật đất đai chưa phù hợp với thực tế…
Cử tri mong muốn các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, có giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.