Bổ sung chế độ bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2026

Mời độc giả tham khảo bài viết dưới về việc bổ sung chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định từ ngày 1/1/2026.

Bổ sung chế độ bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2026

Cụ thể, tại Điều 30 Luật Việc làm 2025 quy định các chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

- Tư vấn, giới thiệu việc làm;

- Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề;

- Trợ cấp thất nghiệp;

- Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm, căn cứ tình hình thực tế và kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ quy định việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ khác.

Hiện hành, căn cứ Điều 42 Luật Việc làm 2013 quy định các chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

- Trợ cấp thất nghiệp.

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

- Hỗ trợ Học nghề.

- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Như vậy, so với pháp luật hiện hành thì từ ngày 1/1/2026 chế độ bảo hiểm sẽ có thêm chế độ hỗ trợ cho người sử dụng lao động như luật mới, cũng không có quy định rõ ràng về hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp như khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh.

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2026

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 31 Luật Việc làm 2025 như sau:

- Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

+ Người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;

+ Người làm việc theo hợp đồng làm việc;

+ Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Trong trường hợp người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp khác nhau quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp cùng với việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; người lao động là người giúp việc gia đình thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và tổ chức cơ yếu; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với đối tượng khác ngoài đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2026

Căn cứ Điều 29 Luật Việc làm 2025 quy định nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.

- Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

- Việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.

- Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích; bảo đảm an toàn, tăng trưởng và được Nhà nước bảo hộ.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2026

Căn cứ Điều 35 Luật Việc làm 2025 quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp được bảo lưu theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 41 Luật Việc làm 2025.

- Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.

- Chính phủ quy định về thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-sung-che-do-bao-hiem-that-nghiep-tu-ngay-112026-321234.html