Vì sao ngày càng nhiều người Trung Quốc không tham gia BHYT?
Ngày càng nhiều người dân Trung Quốc quyết định không tiếp tục tham gia chương trình bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện dành cho cư dân đô thị và nông thôn. Vậy nguyên nhân do đâu?

Nhiều người dân Trung Quốc đang cân nhắc việc tiếp tục tham gia BHYT trong bối cảnh chi phí tăng cao và niềm tin vào hệ thống suy giảm. Ảnh minh họa
Mất cân đối giữa chi và thu
Theo số liệu mới công bố của Cục Quản lý An ninh Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHSA), chỉ tính riêng trong năm 2024, có thêm 15,8 triệu người không còn tham gia chương trình BHYT, kéo dài xu hướng sụt giảm bắt đầu từ vài năm trở lại đây.
Tổng số người tham gia hai chương trình BHYT cơ bản đã giảm còn 1,326 tỷ người, tức giảm 7,27 triệu so với năm 2023.
Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng sụt giảm số người tham gia đang đe dọa tính bền vững của hệ thống BHYT quốc gia, vốn đã căng thẳng vì dân số già hóa nhanh và lực lượng lao động thu hẹp.
Thực tế, trong khi tổng dân số Trung Quốc năm 2024 chỉ giảm nhẹ 1,39 triệu người so với năm trước, thì lượng người rời khỏi hệ thống bảo hiểm lại gấp hơn 5 lần con số đó.
Nguồn thu của quỹ bảo hiểm cũng không theo kịp tốc độ chi tiêu. Năm 2024, quỹ ghi nhận tổng thu là 2.373 tỷ NDT (khoảng 330 tỷ USD), tăng 3,5% so với năm trước. Tuy nhiên, chi tiêu lại tăng tới 7,6%, lên mức 1.910 tỷ NDT.
Gánh nặng với người thu nhập thấp
Chương trình bảo hiểm y tế đô thị – nông thôn chủ yếu dành cho nông dân và người thất nghiệp. Để tham gia, mỗi người dân phải đóng 400 NDT trong năm 2023.
Chính phủ trợ cấp thêm 670 NDT, nâng tổng mức chi phí y tế mỗi người lên 1.070 NDT. Tuy nhiên, mức đóng cá nhân đã tăng 5% so với năm trước đó, trong khi thu nhập của người dân, đặc biệt ở nông thôn hầu như không thay đổi.
“Đối với một hộ gia đình nông thôn, nếu người trụ cột không có thêm thu nhập thì khoản phí này trở thành gánh nặng”, Giáo sư Tùng Vạn Thăng, chuyên gia phát triển nông thôn tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông nhận định.
Không chỉ là vấn đề tài chính, nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả thực tế của hệ thống. “Phí bảo hiểm thì tăng mà chi phí khám chữa bệnh cũng đắt đỏ hơn. Người dân cảm thấy họ đóng tiền mà không nhận lại được gì đáng kể”, Giáo sư Tùng nói thêm.
Cục Quản lý An ninh Y tế Trung Quốc vẫn khẳng định tỷ lệ bao phủ BHYT cơ bản trên toàn quốc giữ ở mức trên 95%, nhưng không cung cấp số liệu so sánh với năm trước.
Trước làn sóng hủy bảo hiểm, NHSA từng lý giải rằng đây chỉ là sự “dao động nhẹ”, xuất phát từ các điều chỉnh kỹ thuật và thay đổi trong cấu trúc quản lý.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không giải quyết tận gốc vấn đề thu nhập và niềm tin của người dân, hệ thống BHYT Trung Quốc sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trong tương lai gần.