Bổ sung chính sách vượt trội để xây dựng Thủ đô thực sự là trái tim của cả nước
Cần phải tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường khi không tổ chức HĐND, và cần phải quy định rõ trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.
Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại đây, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ), Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ quan điểm nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội tại Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, dự thảo Luật đã kế thừa, bổ sung nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để xây dựng Thủ đô thực sự là trái tim của cả nước, là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước.
Với mục tiêu xây dựng dự thảo Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô hiện tại thì quy định tại dự thảo Luật lần này phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề lớn.
Cụ thể, nhóm thứ nhất là quy định để xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, là trái tim của cả nước và thực hiện phương châm “cả nước vì Thủ đô”; nhóm thứ hai là quy định về xây dựng và phát triển một địa phương có những vấn đề đặc thù của một thành phố đô thị đặc biệt và thực hiện phương châm “Thủ đô vì cả nước”; nhóm thứ ba là quy định để xây dựng và phát triển Thủ đô là hạt nhân trung tâm thúc đẩy sự phát triển và liên kết Vùng Đồng bằng Sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, dự thảo Luật mới chỉ tập trung nhiều cho nhóm vấn đề thứ hai, còn nhóm thứ nhất và thứ ba chưa thực sự rõ nét, và chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để thực hiện. Do đó cần phải tiếp tục nghiên cứu các quy định để đảm bảo cân đối hài hòa các mục tiêu được đề ra khi xây dựng dự thảo Luật này.
“Dự thảo Luật đã thể hiện rõ về phân quyền, quyết định những vấn đề riêng, có đặc thù của địa phương. Tuy nhiên cần phải tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ hơn trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật những gì Trung ương phải thực hiện?, kể cả đối với chính quyền Thủ đô đều phải do Trung ương quyết định. Ví dụ các vấn đề để Thủ đô là của cả nước, là hình ảnh của đất nước, vấn đề Quy hoạch Thủ đô, vấn đề phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ để phục vụ cho nhu cầu của đất nước. Những vấn đề của Trung ương nhưng địa phương phải đảm bảo như: đất đai, quy hoạch cho các cơ quan Trung ương trên địa bàn, hỗ trợ kinh phí ngân sách cho Trung ương thực hiện các vấn đề địa phương. Những vấn đề chỉ riêng có của Thủ đô thì dù có mức độ đầu tư, sử dụng ngân sách nguồn lực có lớn, tổ chức bộ máy và con người lớn thì vẫn phải để Thủ đô tự quyết định và tự chịu trách nhiệm”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng thống nhất quy định mô hình tổ chức chính quyền Hà Nội theo Nghị quyết 97 của Quốc hội khóa XIV, đảm bảo sự ổn định, cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Nội cũng như thiết lập cơ sở pháp lý để thành lập thành phố trực thuộc thành phố trong tương lai.
Thống nhất với quy định tăng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách. Vì nó đảm bảo tương ứng với nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố với các điều kiện về dân số, diện tích, mô hình đô thị và chính quyền đô thị mới của Hà Nội. Tuy nhiên để tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiệu quả, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Cần phải tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường khi không tổ chức HĐND. Cần phải quy định rõ trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Đề nghị nghiên cứu bổ sung dự thảo Luật các quy định về đổi mới phương thức hoạt động, cách thức làm việc, bộ máy giúp việc, điều kiện đảm bảo của HĐND, UBND thành phố trong thành phố, nhất là trong bối cảnh tăng cường phân cấp, phân quyền.
Về Quy hoạch Thủ đô (Điều 19), Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng: Hà Nội phát triển trong nhiều thời kỳ, nhất là trong thời kỳ sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội để mở rộng phạm vi không gian, có đủ điều kiện cho quy hoạch xây dựng và tái thiết Thủ đô. Tuy nhiên qua gần 20 năm cho thấy Quy hoạch Thủ đô chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng.
Khu vực nội đô, các khu vực đã có tính lịch sử lâu đời, phố cổ, phố cũ, khu vực đô thị mới phụ cận nông thôn quy hoạch còn động-mở, lộ trình thực hiện chưa phù hợp dẫn tới mỗi thời kỳ lại điều chỉnh, thay đổi phát sinh nhiều vấn đề bức xúc và tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn cho đời sống nhân dân. Các khu vực “làng trong phố” ở nội đô như: vấn đề phòng cháy chữa cháy, bảm bảo an toàn quản lý dân cư, không gian và môi trường sống, đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế.
Chưa kể, nhiều vấn đề phát sinh ở khu vực “phố trong làng” ở ngoại thành nông thôn chưa có sự phân định rõ đâu là không gian phát triển đô thị?, nơi nào là phát triển khu công nghiệp?, nơi nào dành cho khu vực dịch vụ?, và khu vực nào để phát trỉen nông thôn, nông nghiệp ổn định lâu dài? để phù hợp với mục tiêu Thủ đô của cả nước, là hình ảnh của đất nước, và cũng nhằm phát triển Thủ đô thực sự đúng tầm thì quy hoạch và lộ trình thực hiện Quy hoạch Thủ đô phải được phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ.
Từ đó, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh kiến nghị: Quy hoạch tổng thể Thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do Trung ương chỉ đạo việc lập, phê duyệt, và chỉ đạo việc thực hiện.