Bổ sung chức năng xử lý tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã là rất cần thiết
Theo Chủ tịch nước, đưa ra quy định ràng buộc này với lực lượng công an xã đòi hỏi trách nhiệm của họ rõ ràng hơn, buộc phải sát dân, sát cơ sở tốt hơn.
Chiều 20/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
"Trao quyền" cho công an xã là cần thiết
Cho ý kiến về việc sửa khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an), nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ sự đồng tình việc sửa đổi ở kỳ họp này nhằm phát huy nguồn lực công an xã, kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở, giúp giảm tải cho cơ quan điều tra cấp huyện khi đã thực hiện điều động số lượng lớn cán bộ chiến sĩ xuống cấp xã thời gian qua.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh), vì luật sửa đổi lần này sẽ có hiệu lực ngay nên Chính phủ, Bộ Công an cần đánh giá rất kỹ đội ngũ cán bộ cũng như điều kiện cơ sở vật chất của lực lượng này để đảm bảo tính khả thi, khi luật có hiệu lực, các hoạt động sẽ triển khai được ngay.
Cũng nhất trí với việc sửa đổi, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn), cho rằng khi đã đưa lực lượng công an chính quy về xã thì cũng cần thiết phải trao quyền cho họ để phát huy được hết năng lực cũng như sở trường, thế mạnh.
Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần quan tâm, thực tế công an xã ở địa bàn tỉnh Lạng Sơn những nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, điều kiện đảm bảo cho công an xã còn khó khăn; rất nhiều cán bộ công an phải ở nhờ trong trụ sở UBND xã. Thứ hai, vốn hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ giỏi nhưng kiến thức xã hội về phong tục tập quán, tiếng nói, địa bàn… còn cần nhiều thời gian để tiếp cận.
Vì vậy, đại biểu Nghĩa băn khoăn về tính khả thi nếu trao quyền cho công an xã mà chưa đánh giá kỹ tác động.
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) nhấn mạnh, việc trao quyền cho công an xã trong việc kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm là cần thiết, sẽ đáp ứng được tính kịp thời trong xử lý tin báo cũng như xử lý tội phạm, giảm tải rất nhiều cho các cơ quan công an.
Tuy nhiên, đại biểu Chiến còn băn khoăn về câu chữ “kiểm tra và xác minh ban đầu”. “Xác minh ban đầu” là ổn rồi, tuy nhiên việc “kiểm tra” nếu quy định không rõ sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau và áp dụng khác nhau, dễ dẫn đến mở rộng quyền kiểm tra đối với tài sản, thân thể…, như thế là đụng chạm quyền con người. Vì thế việc kiểm tra cần được quy định rõ được kiểm tra những nội dung gì, như vậy để không dẫn tới lạm quyền trong thực tế”, đại biểu Chiến nêu quan điểm.
Ràng buộc trách nhiệm buộc công an xã phải gần dân, sát dân hơn
Cho ý kiến về vấn đề trao quyền cho công an xã, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nêu rõ, hiện nay hệ thống công an xã khá hoàn chỉnh, có vị thế đối với hệ thống công an cả nước và có chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ. Sắp tới khi có Luật Công an xã, quy định chức năng nhiệm vụ của lực lượng này sẽ cụ thể hơn, có những quy định rõ ràng hơn, chế tài ràng buộc hơn.
"Vấn đề tội phạm ở nông thôn (xã chủ yếu ở nông thôn), công an xã là một tổ chức chưa được chặt chẽ cho lắm nên từ hệ thống này cần tổ chức lại", Chủ tịch nước nhận xét.
Theo dõi rất kỹ về Trung tâm dữ liệu quốc gia, Chủ tịch nước cho rằng bổ sung chức năng xử lý tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã là rất cần thiết và đáp ứng kịp thời theo quy định của luật. Tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm cũng là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đưa ra.
“Đây là nhiệm vụ của công an và cũng là yêu cầu với công an xã hiện nay. Nếu không có quy định ràng buộc thì việc nắm tình hình chưa đến nơi đến chốn, nên phải yêu cầu cao hơn, độ chính xác cũng như trách nhiệm của anh rõ ràng hơn. Từ đó buộc anh sát dân, sát cơ sở tốt hơn”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Khẳng định ủng hộ chủ trương, quan điểm này, tuy nhiên Chủ tịch nước cũng cho rằng “trao quyền” (kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm-PV) cho công an xã là rất mới, khi đưa ra chủ trương này có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có cả ý kiến phản đối. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự trong bối cảnh mới, nhất là kinh tế thị trường, có quá nhiều phức tạp, không những thành phố mà ở cả nông thôn, vấn đề trộm cắp, tội phạm, kể cả tội phạm công nghệ cao ở nông thôn phát triển.
Vì thế, theo Chủ tịch nước, nhiệm vụ xử lý tin báo tố giác tội phạm thành nhiệm vụ chính trị của công an xã, rất cần thiết. Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân chứ không phải cấp gây trở ngại, khó khăn.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Công an có tổng kết, đánh giá nhằm phát huy những mặt tốt, chấn chỉnh tồn tại trong hoạt động của công an xã hiện nay, kể cả vấn đề cơ sở, chỗ ở cho công an xã, phương thức hoạt động, sự phối hợp với đảng ủy xã, chính quyền xã, phối hợp với dân quân ở địa phương.
Chủ tịch nước cũng lưu ý, công an xã là lực lượng trực tiếp biên chế Nhà nước, còn dân quân tự vệ là lực lượng trong dân việc nên phối hợp giữa hai lực lượng này là rất quan trọng./.