Bổ sung cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) sửa đổi có nhiều quy định mới, phù hợp với thực tiễn, nhất là khi giao dịch, mua bán trên không gian mạng.
Dự thảo Luật BVQLNTD sửa đổi có 12 chương, 79 điều. So với Luật BVQLNTD năm 2010 thì dự thảo bổ sung thêm 6 chương và 28 điều. Quan điểm của cơ quan soạn thảo là nhằm hướng tới các mục tiêu, chính sách, quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tốt nhất.
* Bảo vệ quyền của người tiêu dùng trên không gian mạng
Luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, một trong những quy định mới đáng chú ý của dự thảo Luật BVQLNTD sửa đổi là dự thảo có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Dự thảo luật đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng; trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng…
Cụ thể Điều 39, dự thảo Luật BVQLNTD sửa đổi không chỉ quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng mà còn quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Theo đó, tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian có trách nhiệm chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến BVQLNTD; cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh, đồng thời hiển thị kết quả phản hồi, đánh giá đó. Đồng thời chỉ định, công bố công khai đầu mối tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung thông tin trên nền tảng; tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng đối với các quyết định của nền tảng…
Đáng chú ý, dự thảo Luật BVQLNTD sửa đổi quy định rõ trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Theo đó các cơ quan chức năng có quyền công bố danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan; danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng bị xử lý bởi cơ quan nước ngoài có thẩm quyền và có ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nhi (ngụ KP.5, P.Tân Hiệp) cho hay, hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trên không gian mạng. Việc dự thảo Luật BVQLNTD sửa đổi bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Điều này sẽ khiến các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng phải thực hiện đúng quy định; đồng thời có biện pháp xử lý các cơ sở, kinh doanh trên mạng buôn bán không uy tín, lừa đảo khách hàng.
* Bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Tại Điều 8 của dự thảo Luật BVQLNTD sửa đổi có quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Theo các chuyên gia pháp lý, đây là chế định hoàn toàn mới so với Luật BVQLNTD năm 2010.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo dự thảo bao gồm: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, thành viên hộ nghèo.
Đồng thời, điều luật còn quy định rõ, người không thuộc các nhóm quy định trên nhưng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp cũng thuộc đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Chính vì vậy, tại Khoản 3, Điều 8 của dự thảo Luật BVQLNTD sửa đổi quy định rõ, khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm: bảo đảm thực hiện các quyền ưu tiên của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Áp dụng cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương…
Do đó, theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu, việc dự thảo Luật BVQLNTD sửa đổi dành riêng một điều luật quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết về BVQLNTD dễ bị tổn thương, cùng với những quan điểm rất mới trong quy định Nguyên tắc BVQLNTD (Điều 6); Chính sách của Nhà nước về BVQLNTD (Điều 7) của dự thảo mà Luật BVQLNTD năm 2010 không quy định hoặc quy định chưa rõ, cụ thể là một bước tiến mới nên được dư luận quan tâm, người tiêu dùng ủng hộ, đánh giá cao.
Điều 53, dự thảo Luật BVQLNTD sửa đổi quy định, tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. Không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc lợi ích của nhiều người, trừ trường hợp xác định được số người cụ thể.