Bổ sung cơ chế cho đối tượng thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu điều này trong loạt giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở xã hội (NƠXH) hiện nay.
Thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo thực hiện một số Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong 2,5 năm qua, cả nước đã hoàn thành 41 dự án NƠXH tại các đô thị, với khoảng 19.516 căn.
294 dự án, với quy mô 288.499 căn (trong đó có 105 dự án được cấp phép xây dựng mới, với quy mô xây dựng khoảng 85.662 căn) đang được triển khai.
Riêng nửa đầu năm 2023, có 9 dự án được khởi công, với tổng số hơn 18.700 căn. Trong số này có 6 dự án NƠXH tại Hải Phòng, Hà Nội, Lâm Đồng; 3 dự án nhà ở công nhân đang được thực hiện tại Hải Phòng, Bình Định, Bắc Giang.
Số liệu của Ngân hàng Chính sách cho thấy, đến thời điểm này, cả nước đã giải ngân trên 6.200 tỷ đồng, cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua NƠXH, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc khiến phân khúc NƠXH chưa phát triển mạnh, trong khi nhu cầu của người dân, lao động rất lớn.
Cụ thể, Bộ trưởng Nghị dẫn thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán NƠXH còn phức tạp và kéo dài. Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân đã ban hành nhưng chưa đủ hấp dẫn, có nội dung chưa thực chất nên không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư...
Về vốn, lãnh đạo Bộ Xây dựng phản ánh, ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách NƠXH, nhà ở công nhân. Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay thực hiện chính sách NƠXH theo Nghị định 100/2015 đến nay vẫn chưa được bố trí.
Khó khăn nữa, ông Nghị chỉ ra, một số địa phương chưa quan tâm đến phát triển NƠXH. Địa phương chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NƠXH khu vực đô thị,nhà ở cho công nhân vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Cạnh đó, các địa phương chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha để đầu tư xây dựng NƠXH trên địa bàn theo quy định. Đáng chú ý, thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng NƠXH dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch kéo dài...
Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về NƠXH; hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Trong các sửa đổi lần này, theo ông Nghị, sẽ bổ sung cơ chế cho nhóm đối tượng thu nhập thấp được mua NƠXH. Việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển NƠXH; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước... cũng sẽ được bổ sung, sửa đổi.
Vẫn theo Bộ trưởng Nghị, Chính phủ sẽ đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển NƠXH khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm NƠXH trong các dự án nhà ở, khu đô thị và bảo đảm nhu cầu phát triển NƠXH trên địa bàn.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Liên quan đến NƠXH, trong một báo cáo thẩm tra mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, thị trường bất động sản hiện đang thiếu phân khúc bình dân, giá nhà ở chưa phù hợp với thu nhập của người dân. Theo đó, thị trường chủ yếu là nhà ở trung - cao cấp, thiếu sản phẩm bình dân khi cơ cấu phân khúc này giảm từ 20% năm 2019 xuống dưới 5% vào 2022. Cơ quan thẩm tra nhận định, khó khăn của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết trong ngắn hạn, có thể kéo dài nhiều năm.