Bổ sung cơ chế phối hợp lập đồng thời quy hoạch

Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, các đại biểu Quốc hội Tổ 15 đề nghị, cần bổ sung cơ chế phối hợp lập đồng thời quy hoạch giữa Trung ương – địa phương – ngành.

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 15, chiều 10/5

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 15, chiều 10/5

Đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển của giai đoạn mới

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều 10/5, Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận) đã thảo luận về 3 dự án Luật, trong đó, nhiều ý kiến tập trung vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Đa số đại biểu tán thành việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; nhấn mạnh việc rà soát, nghiên cứu để quy định đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; đồng thời, phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và đơn giản hóa các quy trình trong hoạt động quy hoạch là yêu cầu cấp thiết.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo Luật đã cho thấy một bước tiến mạnh mẽ trong việc nỗ lực đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển của giai đoạn mới, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan để đề xuất các chính sách, giải pháp sửa đổi, bổ sung phù hợp, khả thi, hiệu quả.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến nêu rõ, về cơ bản, dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, nhất là Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu định hướng của giai đoạn mới.

Dự thảo Luật cũng đã đơn giản hóa nội dung quy hoạch để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch sau sắp xếp đơn vị hành chính không làm gián đoạn đầu tư, phát triển của địa phương. Do đó, cần tiếp tục rà soát sâu, kỹ và quy định theo hướng cho phép địa phương kế thừa tối đa các nội dung phù hợp của quy hoạch cũ, không bắt buộc điều chỉnh toàn diện; đồng thời, hỗ trợ kinh phí lập điều chỉnh quy hoạch từ ngân sách Trung ương với các tỉnh còn khó khăn về ngân sách.

Các đại biểu Tổ 15 tại phiên thảo luận chiều 10/5

Các đại biểu Tổ 15 tại phiên thảo luận chiều 10/5

Được phép lập đồng thời quy hoạch

Về hệ thống quy hoạch (Điều 5), một số ý kiến cho rằng, việc quy định các loại quy hoạch được phép lập đồng thời là một bước tiến quan trọng, tạo điều kiện rút ngắn thời gian chuẩn bị quy hoạch, giảm độ trễ giữa các quy hoạch khác cấp, đồng thời khắc phục tình trạng “đợi nhau”.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, vẫn còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các cấp lập quy hoạch khi triển khai đồng thời; địa phương được chủ động đến đâu khi lập song song với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng; và cũng chưa có cơ chế linh hoạt cho địa phương chủ động xử lý các mâu thuẫn nhỏ về định hướng không gian, mục tiêu phát triển.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất, bổ sung cơ chế phối hợp lập đồng thời quy hoạch giữa Trung ương – địa phương – ngành. Cụ thể, cần quy định về tổ chức làm đầu mối điều phối, chia sẻ thông tin, trách nhiệm giải trình khi có mâu thuẫn, có thể đó là tổ giúp việc do Trung ương thành lập. Có như thế mới giải quyết nhanh khi thực tế có bất cập.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, như hiện nay, khi có mâu thuẫn thì văn bản đi lại tốn rất nhiều thời gian.

Các đại biểu Tổ 15 tại phiên thảo luận chiều 10/5

Các đại biểu Tổ 15 tại phiên thảo luận chiều 10/5

Nếu có 1 tổ chức làm đầu mối thì giải quyết rất nhanh và hiệu quả, tăng quyền chủ động cho địa phương, như: cho phép địa phương tự xây dựng phương án quy hoạch trong khuôn khổ mục tiêu phát triển chung và linh hoạt xử lý các xung đột kỹ thuật mà không cần chờ cấp cao hơn duyệt lại toàn bộ…

"Đây cũng là cụ thể hóa việc phân cấp, phân quyền, đúng chủ trương địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đại biểu nhấn mạnh

Bên cạnh đó, đối với các mâu thuẫn nhỏ hoặc kỹ thuật, theo đại biểu, nên trao quyền cho địa phương xử lý linh hoạt. Có thể bổ sung cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh được tự quyết trong trường hợp mâu thuẫn nhỏ mang tính kỹ thuật hoặc đã có ý kiến đồng thuận giữa các bên liên quan.

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bo-sung-co-che-phoi-hop-lap-dong-thoi-quy-hoach-10371996.html