Bổ sung dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ
Việc bổ sung đưa những loại dao có tính sát thương cao vào danh mục các loại vũ khí thô sơ được một số thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận là cần thiết. Thực tế cũng cho thấy, mỗi ngày, mỗi năm sẽ có thêm nhiều vụ án sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu, công cụ hỗ trợ như dao… gây ra án mạng cho người dân.
Sáng 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đã được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 165, với 4 chính sách. Trong đó, hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu dao có tính sát thương cao.
Đồng thời cho phép tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất trang bị, sử dụng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu sản xuất kinh doanh sử dụng vật liệu nổ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trong số 40.000 vụ phạm tội liên quan đến vũ khí và vật liệu nổ thì có trên 58% các vụ án liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ, các tội rất nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ… Do đó, rất cần thiết sửa đổi dự án luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu “dao có tính sát thương cao” là cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Tại dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, Bộ Công an đề xuất các loại dao có tính sát thương cao được bổ sung vào danh mục các loại vũ khí thô sơ. Theo đó, dao có tính sát thương cao được định nghĩa là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc dao có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao.
Bộ Công an cũng đề xuất thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí thô sơ..., trừ dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt.