Bổ sung đột phá về phát triển nông, lâm nghiệp
Với tâm huyết và trách nhiệm vì sự phát triển của tỉnh, ông Nông Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh đã nghiên cứu và đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Trong đó, tập trung góp ý bổ sung những nội dung, giải pháp đột phá về phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn đến năm 2030.

Ông Nông Ngọc Tăng nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII
Theo ông Nông Ngọc Tăng, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bố cục chặt chẽ, trình bày khoa học, đánh giá khá toàn diện những kết quả quan trọng mà tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua. Ông cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu trong các lĩnh vực nhiệm kỳ tới.
Về nông, lâm nghiệp, theo ông, đây vẫn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tồn tại những hạn chế như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất và giá trị chưa cao, liên kết chuỗi còn yếu. Do đó, để tạo đột phá về phát triển nông, lâm nghiệp đến năm 2030, tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm.
Một trong những hướng đi chiến lược là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng cao, ứng dụng công nghệ và thân thiện với môi trường. Cần ưu tiên phát triển các loại vật nuôi, cây trồng, đặc sản, lợi thế ở bản địa, đồng thời sử dụng giống mới có năng suất cao, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh. Bên cạnh đó, việc nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP và đầu tư vào chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch là bước đi quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm.
Giải pháp tiếp theo là cần phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với sinh kế và du lịch. Thêm vào đó, để thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp quy mô lớn cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu.
Tỉnh cũng cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi và công nghệ thông tin, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Song song với đó, việc đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thu hút nhân lực chất lượng cao về công tác tại cơ sở sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, trong đột phá về phát triển nông, lâm nghiệp thì tỉnh cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Lạng Sơn cần tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ người dân, hợp tác xã đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển nông, lâm nghiệp đến năm 2030 sẽ giúp Lạng Sơn khai thác tốt tiềm năng, nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bo-sung-dot-pha-ve-phat-trien-nong-lam-nghiep-5053835.html