Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự
ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) đề nghị bổ sung một hành vi nghiêm cấm là 'thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự'. ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị bổ sung hành vi 'cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện khi địa phương huy động thực hiện dịch vụ phòng thủ dân sự'...
Thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 9-11, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự để “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Với tinh thần phòng ngừa sự cố, thảm họa từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) tán thành ban hành luật, song đề nghị cân nhắc việc quy định cấp độ thảm họa, sự cố theo địa giới hành chính.
Bên cạnh đó, do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên ngoài những biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố.
ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) đề nghị bổ sung một hành vi nghiêm cấm là “thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự”. ĐB cũng cho rằng nên hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai.
“Nếu chỉ quy định phí bảo hiểm chung chung cho tất cả các đối tượng như dự án luật thì không đủ nguồn lực để thực hiện. Đề nghị ban soạn thảo dự án chỉ quy định hỗ trợ bảo hiểm cho các đối tượng khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố từ cấp 3 trở lên”, ông nói.
Chia sẻ quan điểm cho rằng dự thảo chưa chế định đầy đủ các hành vi cần nghiêm cấm, ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị bổ sung hành vi “cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện khi địa phương huy động thực hiện dịch vụ phòng thủ dân sự”, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của luật.
Ghi nhận thời gian qua, công tác phòng thủ dân sự đã đáp ứng được yêu cầu phòng chống, ứng phó khắc phục hậu quả thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo vệ an ninh tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, song ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, lĩnh vực này có được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau như Luật Quốc phòng, Luật Phòng chống thiên tai, Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng cháy chữa cháy… Thực tiễn ứng phó, khắc phục thiên tai có rất nhiều ban chỉ đạo, việc chỉ huy, phối hợp các nguồn lực đôi lúc thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ. Trong khi đó, dự thảo luật này còn quy định quá chung chung.
Về cấp độ phòng thủ dân sự, ĐB cho rằng dự thảo quy định gồm 4 cấp và tương ứng mỗi cấp quy định trách nhiệm của chính quyền là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong từng cấp độ.
Đặc biệt, về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị có chế tài trong trường hợp không chấp hành hoặc thực hiện nửa vời. “Đề nghị nói rõ ở cấp huyện, xã có ban chỉ đạo hay không? Mỗi lực lượng tham gia cần quy định cụ thể trách nhiệm, lực lượng nào chủ trì, lực lượng nào làm nòng cốt”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//bo-sung-hanh-vi-bi-nghiem-cam-trong-phong-thu-dan-su-855010.html