BỔ SUNG KHOẢNG TRỐNG VỀ MẶT PHÁP LÝ TRONG CƠ CHẾ PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN CỦA VIỆT NAM

Dự án Luật Phòng Chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV (tháng 10-2022). Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật là việc bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền.

Xây dựng pháp luật về phòng, chống rửa tiền đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế

Xây dựng pháp luật về phòng, chống rửa tiền đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế

Theo Ngân hàng Nhà nước (cơ quan chủ trì soạn thảo) dự thảo Luật Phòng Chống rửa tiền (PCRT) sửa đổi được bố cục gồm 4 Chương, 54 Điều (bổ sung mới: 09 Điều; sửa đổi: 43 Điều và hủy bỏ: 07 Điều; giữ nguyên quy định của Luật PCRT 2012: 02 Điều). Trong đó, để đáp ứng khuyến nghị của FATF, đánh giá của APG tại Báo cáo đánh giá đa phương và phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền, dự thảo Luật bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền, cụ thể: Định kỳ 05 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam và thực hiện cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền trong trường hợp có rủi ro phát sinh, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá; các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai đánh giá, cập nhật rủi ro ngành về rửa tiền trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tình hình thực tế hoạt động của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định về tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia, ngành về rửa tiền.

Đánh giá cao việc kịp thời bổ sung quy định mới này tại Dự thảo Luật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần tăng cường nhận thức về các rủi ro về phòng, chống rửa tiền; đồng thời quy định cụ thể hơn về việc phân loại kết quả đánh giá rủi ro quốc gia;…

Theo TS.Đỗ Văn Nhật, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương, khuyến nghị số 1 trong bộ 40 khuyến nghị của FATF về PCRT đưa ra yêu cầu quan trọng là pháp luật các nước cần có quy định về việc đánh giá rủi ro và tiếp cận trên cơ sở rủi ro trong công tác PCRT. Đây cũng là nội dung được Đoàn đánh giá của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đặt ra trong các yêu cầu về kế hoạch hành động của Việt Nam cần phải thực hiện trong thời gian tới nhằm khắc phục những khuyết thiếu trong cơ chế PCRT của Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật về PCRT của Việt Nam vẫn còn khoảng trống, chưa quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành và việc thực hiện các biện pháp PCRT trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động thanh tra, giám sát PCRT trên cơ sở rủi ro của các bộ, ngành.

Do đó, để đáp ứng khuyến nghị của FATF, đánh giá của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) tại Báo cáo đánh giá đa phương và phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền là hoàn toàn phù hợp.

Theo đó, cần bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam và thực hiện cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền trong trường hợp có rủi ro phát sinh, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá; việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền, chưa thuộc hoạt động của đối tượng báo cáo theo quy định của Luật. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai đánh giá, cập nhật rủi ro ngành về rửa tiền trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tình hình thực tế hoạt động của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia, ngành về rửa tiền trong nội bộ của bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc thẩm quyền quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định.

TS.Đỗ Văn Nhật nhấn mạnh, trên cơ sở xác định, đánh giá và hiểu về rủi ro rửa tiền của quốc gia, bao gồm việc chỉ định cơ quan có thẩm quyền hoặc thiết lập cơ chế nhằm phối hợp các hành động để đánh giá rủi ro quốc gia, từ đó xây dựng, cập nhật chiến lược quốc gia về PCRT phù hợp với rủi ro được xác định. Đánh giá rủi ro quốc gia là cơ sở để quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên/các lĩnh vực rủi ro cao về rửa tiền và được coi là một trong những trụ cột nền tảng của công tác PCRT theo chuẩn mực quốc tế, qua đó tăng cường năng lực quốc gia trong thực hiện 40 Khuyến nghị của FATF. Việc bổ sung quy định đánh giá rủi ro ngành hỗ trợ cho các cơ quan quản lý trong việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát về PCRT đối với các ngành, lĩnh vực.

TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH, chuyên gia kinh tế

TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH, chuyên gia kinh tế

Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung điều mới về “Đánh giá rủi ro quốc gia và rủi ro ngành về rửa tiền” nhằm luật hóa nghĩa vụ của Việt Nam (NHNN và các bộ, ngành, đơn vị liên quan) trong việc thực hiện nhiệm vụ đánh giá rủi ro quốc gia, đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền. Từ đó, có thể thường xuyên đánh giá, nhìn nhận được rủi ro cũng như phát hiện các hành vi rửa tiền mới để ứng phó kịp thời. Cụ thể là “NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai đánh giá, cập nhật rủi ro ngành thuộc phạm vi quản lý, phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia, ngành về rửa tiền trong nội bộ của bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định.” Quy định sẽ là căn cứ quan trọng cho việc triển khai đánh giá rủi ro quốc gia và rủi ro ngành định kỳ tại Việt Nam và được coi là một trong những trụ cột nền tảng của công tác phòng, chống rửa tiền theo chuẩn mực quốc tế.

TS.Cấn Văn Lực lưu ý, trong “giai đoạn quan sát” hiện nay (tháng 3/2022 - tháng 3/2023), đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố là rất quan trọng để Việt Nam có cơ sở tiền đề xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia; nâng cao nhận thức về rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và triển khai công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức báo cáo. Theo đó, việc phân bổ nguồn lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các biên pháp phòng ngừa của các cơ quan nhà nước và các tổ chức báo cáo sẽ tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố cao hơn.

TS.Cấn Văn Lực kiến nghị, cần tăng cường nhận thức về các rủi ro về phòng, chống rửa tiền cũng như tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thông qua việc thực hiện bổ sung các đánh giá rủi ro ngành và trên cơ sở các mối nguy cơ để hiểu rõ hơn các rủi ro chính, bên cạnh các rủi ro quốc gia đã đang thực hiện hiện nay. Dựa trên các phát hiện của đánh giá rủi ro hiện tại và trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng các chính sách tổng thể ở cấp quốc gia cũng như xây dựng các kế hoạch cấp bộ, ngành về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo loại hình rủi ro đã được xác định trong đánh giá mức độ rủi ro quốc gia.

TS.Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp

TS.Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp

Tán thành việc bổ sung quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền, TS.Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp cho rằng, theo khuyến nghị của FATF về đánh giá rủi ro và áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro, các quốc gia cần phải xác định, đánh giá và hiểu về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của quốc gia mình; và cần thực hiện các biện pháp, bao gồm việc chỉ định cơ quan có thẩm quyền hoặc thiết lập cơ chế nhằm phối hợp các hành động để đánh giá rủi ro và sử dụng các nguồn lực nhằm đảm bảo rủi ro được quản lý một cách hiệu quả. Dựa trên đánh giá đó, các quốc gia cần áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro (RBA) nhằm đảm bảo các biện pháp phòng ngừa hoặc giảm thiểu rửa tiền và tài trợ khủng bố phù hợp với rủi ro được xác định. Theo đó, tại dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã thiết kế, quy định về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại khoản 1 Điều 7.

Tuy nhiên, tại khuyến nghị của FATF, FATF cũng đưa ra các cách thức giải quyết trong trường hợp kết quả đánh giá rủi ro cao hơn hoặc kết quả đánh giá rủi ro thấp hơn. Trong khi đó, tại dự thảo Luật chưa có quy định về việc phân loại kết quả đánh giá rủi ro quốc gia, cũng như chưa có quy định về cách mà các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền “xử sự”đối với từng kết quả đánh giá rủi ro quốc gia.

“Dự thảo Luật hiện nay chỉ giao Chính phủ quy định về tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, không giao Chính phủ quy định về cách thức thực hiện đánh giá rủi ro, việc phân loại kết quả đánh giá rủi ro cũng như cách thức xử lý đối với từng kết quả đánh giá rủi ro. Như vậy, quy định đánh giá rủi ro về rửa tiền tại dự thảo Luật đã có nhưng chưa đầy đủ so với khuyến nghị của FATF.”, TS.Hồ Quang Huy chỉ rõ.

Dự thảo Luật PCRT tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện trước khi Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022). Về cơ bản, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật PCRT năm 2012, theo đó phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; hợp tác quốc tế trong PCRT. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) cũng quy định việc PCRT nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.…/.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67749