Bổ sung nhiều quy định mới về tốc độ xe chạy trên cao tốc

Tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 31/2019 đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất quy định rõ tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác trên đường cao tốc.

Phân rõ tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác

Đây là nội dung mới được bổ sung tại dự thảo thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ đang được Bộ GTVT đang lấy ý kiến.

Dự thảo thông tư sau khi được phê duyệt sẽ thay thế Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Bộ GTVT cho biết, Thông tư số 31/2019 của Bộ GTVT được ban hành để hướng dẫn thực hiện chi tiết Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Đến nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã được thay thế bằng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Hai luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 nên cần ban hành thông tư thay thế Thông tư số 31/2019 để kịp thời hướng dẫn.

Nội dung và bố cục của dự thảo thông tư không thay đổi nhiều so với Thông tư số 31/2019. Dự thảo đề xuất cập nhật căn cứ ban hành và sửa đổi một số nội dung cho phù hợp quy định mới tại 2 luật, đồng thời đề xuất bổ sung thêm một số nội dung nhằm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Đường bộ về tốc độ thiết kế của đường bộ.

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định: Tốc độ thiết kế đường ô tô cao tốc được phân làm 3 cấp: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.

Dự thảo cũng nêu rõ, trên đường cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng các đoạn này phải dài từ 15km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20km/h. Trường hợp đường cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20km/h), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 2km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.

Về tốc độ khai thác, dự thảo bổ sung thêm một số nội dung trong quy định về tốc độ tối đa cho phép của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc.

Cụ thể: Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 120km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 120km/h.

Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 100km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 100km/h.

Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 80km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 80km/h.

Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 60km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h.

Đối với đường cao tốc khai thác trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng, tùy theo quy mô phân kỳ để xác định, nhưng tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 90km/h.

Cũng theo dự thảo, tốc độ thiết kế đường ô tô (không phải là đường ô tô cao tốc) được xác định theo cấp đường thiết kế và phụ thuộc vào loại địa hình như:

Về tốc độ thiết kế đường đô thị, đường giao thông nông thôn, dự thảo nêu rõ tốc độ thiết kế đường ô tô trong phạm vi đô thị được xác định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình giao thông được cấp thẩm quyền ban hành.

Đối với tốc độ thiết kế đường giao thông nông thôn được xác định theo tiêu chí về giao thông nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giới hạn tốc độ sẽ được ghi trên mặt đường

Ngoài thông tin giới hạn tốc độ ghi trên biển báo quy định tại Thông tư 31/2019, dự thảo bổ sung quy định: Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu khi thông tin về giới hạn tốc độ được thể hiện bằng sơn kẻ mặt đường trên các làn xe.

Đáng chú ý, dự thảo cũng bổ sung quy định: người tham gia giao thông trên cao tốc phải tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và quy định về "sử dụng làn đường", "Vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt" theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Lý giải về đề xuất này, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, hiện nay có tình trạng nhiều phương tiện chạy tốc độ thấp ở làn có tốc độ cao nhất, gây cản trở các phương tiện di chuyển đúng tốc độ cao nhất muốn vượt xe.

Để xử lý tình trạng này, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: "Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải theo chiều đi của mình ".

Về vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định: Trên đường có từ hai làn đường dành cho xe cơ giới cùng chiều trở lên được phân biệt bằng vạch kẻ đường. Xe đi phía sau di chuyển lên trước xe phía trước áp dụng quy tắc sử dụng làn đường quy định tại Điều 13 của Luật này.

Theo Cục Đường bộ VN, quy định tốc độ tối đa cho phép đối với xe cơ giới chạy trên đường bộ là vấn đề quan trọng do đối tượng điều chỉnh nhiều, tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, ATGT.

Vì vậy, cần được xem xét kỹ, nhằm đạt được quy định tốc độ tối đa cho phép đối với xe cơ giới chạy trên đường bộ phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo trật tự ATGT và phát huy hiệu quả trong hoạt động vận tải.

Vì vậy cơ quan này cho rằng cần thiết phải bổ sung nội dung tuân thủ quy định về "sử dụng làn đường" và "vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt" để làm rõ hơn.

Dự thảo thông tư quy định đang được Bộ GTVT lấy ý kiến gồm 3 chương, 14 điều. Ngoài hai chương quy định chung và tổ chức thực hiện, nội dung chính của dự thảo thông tư ở chương II quy định về tốc độ, khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ; tốc độ thiết kế.

Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thay thế Thông tư 31/2019 dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2025.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-sung-nhieu-quy-dinh-moi-ve-toc-do-xe-chay-tren-cao-toc-192240830155737322.htm