Bổ sung quy định hỗ trợ nạn nhân

So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người hiện bổ sung nhiều quy định nhằm hỗ trợ nạn nhân của hành vi mua bán người. Điều đáng nói, dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ. Việc bổ sung đối tượng này là cần thiết, nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân mua bán người.

Nhiều chính sách hỗ trợ nhân văn

Nếu như Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ chỉ là nạn nhân thì ở lần sửa đổi này, ngoài nạn nhân thì dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ được áp dụng cả đối người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Theo đó, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân sẽ được hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân...

Về trợ giúp pháp lý, khoản 1 Điều 41 dự thảo Luật quy định: “Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hỗ trợ để làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, đăng ký khai sinh, làm thẻ căn cước, nhận chế độ hỗ trợ và được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng”.

Trong khi đó, theo quy định tại điểm g, khoản 7, Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý thì nạn nhân của hành vi mua bán người phải có khó khăn về tài chính mới được trợ giúp pháp lý. So với Luật Trợ giúp pháp lý thì dự thảo Luật đã mở rộng cả về đối tượng (bổ sung đối tượng là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân) và điều kiện được trợ giúp (không cần khó khăn về tài chính).

Đào tạo nghề cho nạn nhân bị mua bán. Nguồn: chinhphu.vn

Đào tạo nghề cho nạn nhân bị mua bán. Nguồn: chinhphu.vn

Không chỉ bổ sung các chính sách hỗ trợ cho người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân của hành vi mua bán người, dự thảo Luật quy định về việc trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Cụ thể, khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định: “Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c, d, g điều này (gồm: hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý, hỗ trợ chi phí phiên dịch - pv) và theo quy định tại các Điều 38, 39, 40, 41 và 44 của Luật này”.

Những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập thời gian qua, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Tránh bỏ sót đối tượng được hỗ trợ

Là cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Luật này, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định tại khoản 3 Điều 37 của dự thảo Luật vì cho rằng, bên cạnh việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân thì trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi đi cùng họ là rất cần thiết. Bởi vì, trong nhiều trường hợp, những người này là con được sinh ra trong quá trình người phụ nữ bị mua bán hoặc là người thân thích của nạn nhân. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng: người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được trợ giúp pháp lý như nạn nhân.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc quy định trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người trong quá trình xác định là nạn nhân như quy định tại Điều 37 là cần thiết. Tuy nhiên, cần xác định rõ người đi cùng nạn nhân, nếu không phải là người thân thì không được trợ giúp pháp lý và không phải là đối tượng được trợ giúp pháp lý, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Cơ bản đồng tình với quy định tại khoản 3, Điều 37 dự thảo luật "người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ chi phí phiên dịch" nhưng đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) còn băn khoăn. Bởi, tại các Điều 38, 39, 41, 44 dự thảo luật quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ nêu trên chỉ áp dụng đối với đối tượng được hưởng là nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Trên cơ sở đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đối tượng cho đầy đủ.

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan tâm đến chính sách hỗ trợ người đi cùng nạn nhân, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk), khoản 3, Điều 37 dự thảo Luật quy định "người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại điểm a, b, c, d, g khoản 1 điều này và theo quy định tại các Điều 38, 39, 40, 41 và 44 của dự thảo luật, quy định này thì người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ học văn hóa. Việc không được hưởng chế độ học văn hóa là một thiệt thòi khá lớn đối với người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân dù bất kỳ nguyên nhân nào.

Nhấn mạnh, người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách cần được trang bị giáo dục những kiến thức văn hóa, định hướng nghề nghiệp, nhất là việc bù đắp các kiến thức văn hóa bị thiếu hụt trong suốt thời gian đi cùng nạn nhân. Do vậy, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định chế độ hỗ trợ học văn hóa cho người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lap-phap/bo-sung-quy-dinh-ho-tro-nan-nhan-i383325/