Bổ sung quy định thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP áp dụng với Peru
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) giai đoạn 2019 - 2022.
Để triển khai thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019. Nghị định này áp dụng cho 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đến ngày 26/6/2019 gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore.
Ngày 19/9/2021, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Cộng hòa Peru. Do vậy, Chính phủ ban hành Nghị định 21/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019-2022 để bổ sung quy định áp dụng đối với Peru.
Cụ thể, Nghị định 21/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định về thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Cộng hòa Peru hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Cộng hòa Peru.
Bổ sung các quy định về điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Cộng hòa Peru hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Cộng hòa Peru.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2022.
Đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Cộng hòa Peru hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Cộng hòa Peru đăng ký từ ngày 19/9/2021 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ, Nghị định này và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Những năm qua, Peru là một trong những quốc gia có chính sách kinh tế đối ngoại cởi mở tại khu vực Mỹ Latinh. Nước này tham gia và là thành viên của hầu hết các định chế quốc tế và khu vực như: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Liên minh Thái Bình Dương (PA), thành viên hợp tác của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercorsur)... Hiện Peru đã ký kết 27 hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó 23 hiệp định đã có hiệu lực, 3 hiệp định đang chờ Quốc hội phê chuẩn, 1 hiệp định vừa được Quốc hội phê chuẩn (CPTPP) và đang đàm phán 6 FTA khác.
Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Peru phát triển tương đối mạnh trong thời gian qua. Thời điểm trước đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 48,3% trong vòng 5 năm từ mức 284,96 triệu USD (năm 2014) lên mức 422,73 triệu USD (năm 2019).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Peru bao gồm điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm điện tử, giày dép các loại, clanhke và xi măng, hàng dệt may và thủy sản, trong khi Peru xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng bột cá, quặng antimon và tinh quặng, khoáng sản. Nhìn chung, Peru được đánh giá là thị trường tiềm năng và là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của các doanh nghiệp Việt Nam bởi 75% các công ty xuất – nhập khẩu của Peru là vừa và nhỏ, hàng hóa dễ thâm nhập, cạnh tranh và có thể đi vào các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia và Brazil.
Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), với việc các quy định nhập khẩu của Peru được đánh giá là đơn giản hơn so với mặt bằng chung các nước, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Peru, chủ động nâng cao năng lực tranh, có chiến luợc xuất khẩu bền vững, sớm xây dựng được hình ảnh hàng hóa Việt Nam uy tín, chất lượng tại thị trường nước bạn.
Thu Phương