Bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân để tăng cường hiệu lực thực thi bản án hành chính

Đại biểu Quốc hội nêu thực tế, hiện chưa có quy định chế tài xử lý các trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa, không đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Gây khó khăn cho tranh tụng, làm giảm hiệu lực xét xử

Chiều 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, từ thực tiễn xét xử các vụ việc, vụ án hành chính, pháp luật hiện hành chưa quy định chế tài xử lý đối với các trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa, không đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn.

Theo ông Hùng, rất ít vụ án có lãnh đạo Ủy ban nhân dân trực tiếp tham dự phiên tòa, gây khó khăn cho tranh tụng và làm giảm hiệu lực xét xử.

Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định chế tài cụ thể đối với những trường hợp nêu trên, nhằm bảo đảm trách nhiệm, kỷ luật hành chính trong quá trình tổ chức tố tụng.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu cũng nêu rõ, Luật Tố tụng hành chính hiện hành chỉ cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân ủy quyền cho Phó Chủ tịch cùng cấp, khác với thực tế ủy quyền cho lãnh đạo cơ quan chuyên môn, không phù hợp với quy định.

Ông Hùng đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành hoặc mở rộng cho phép ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn am hiểu vụ việc, với điều kiện rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm trách nhiệm và đúng quy định.

Đại biểu Hùng cũng nêu thực tế, hiện chưa có quy định nào xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nếu cố tình không thi hành hoặc để tồn đọng bản án hành chính dù Nghị định số 71 năm 2016 có quy định trách nhiệm tổ chức nhưng không có chế tài cá nhân cụ thể.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân trong trường hợp này để tăng cường hiệu lực thực thi bản án hành chính.

Tán thành với việc điều chỉnh tăng thẩm quyền của tòa án nhân dân khu vực theo hướng tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại…, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc giao thẩm quyền cho tòa án nhân dân khu vực giải quyết các vụ án hành chính là phù hợp.

Tuy vậy, đại biểu cũng nhận thấy, quy định này sẽ khiến thẩm quyền và trách nhiệm của tòa án nhân dân khu vực là rất lớn.

Đại biểu Hòa cho rằng, việc quy định theo hướng tập trung giải quyết các vụ việc hành chính bằng giải pháp tố tụng chưa phải là giải pháp tối ưu mà giải pháp căn cơ là nên tập trung giải quyết bằng biện pháp hòa giải.

Ông Hòa cũng đề nghị, nên có quy định đối với những trường hợp cụ thể để thực hiện công tác hòa giải nhằm hạn chế việc xét xử theo thủ tục tố tụng kém hiệu quả.

Bảo đảm chế tài vừa nghiêm minh, vừa phù hợp thực tiễn

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc thành lập Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ ở Tòa án nhân dân khu vực.

Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này không lớn, thậm chí tại nhiều tỉnh, thành phố hầu như không phát sinh loại án này trong cả năm.

Việc thành lập tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ ở các tòa khu vực sẽ kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này vẫn thấp.

Đại biểu Nga đề nghị bố trí thẩm phán chuyên trách trong Tòa Kinh tế hoặc Tòa Dân sự đảm nhiệm, không tổ chức thêm tòa chuyên trách. Khi nào thực tế đòi hỏi hiệu suất xét xử của 2 loại tòa án này có nhiều hơn thì có thể xem xét sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp, đại biểu đề nghị.

Giải trình về vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, Tòa phá sản và Tòa sở hữu trí tuệ hiện nay trong dự thảo luật sẽ chỉ thành lập 3 tòa phá sản nằm trong khu vực của 3 thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, còn Tòa sở hữu trí tuệ chỉ có tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội chứ không phải cứ mỗi tòa khu vực đều có 2 loại tòa án trên.

“Lộ trình khi nhu cầu và các vụ án, vụ việc liên quan tăng lên, chúng tôi sẽ điều chỉnh quy mô cũng như mức độ bố trí tòa chuyên trách này ở các địa phương cho phù hợp và sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định”, ông Trí khẳng định.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Liên quan chế tài Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh không dự tòa, theo ông Trí, luật hiện hành chưa có chế tài rõ ràng người có liên quan về trách nhiệm tố tụng hành chính như Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhưng không dự phiên tòa, không cung cấp tài liệu, không đối thoại.

Việc này dẫn đến tình trạng Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân lúc thực hiện trách nhiệm, lúc không.

Khẳng định nếu không sửa luật sẽ không nghiêm, dù vậy Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng nêu một vấn đề mâu thuẫn: Nếu quy định nghiêm bắt buộc phải đối thoại sẽ phát sinh mâu thuẫn khi có những địa phương phát triển mạnh, nhiều vụ việc phải đối thoại, phải ra tòa (có địa phương 1 năm có 500 việc phải đối thoại, ra tòa), như vậy sẽ rất áp lực với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, dẫn đến họ sẽ không có thời gian để điều hành, quản lý.

“Nếu nghiêm phải có chế tài. Vấn đề đặt ra bây giờ là không nghiêm thì không chấp hành, nhưng nếu nghiêm làm không nổi, có sự mâu thuẫn với thực tiễn như vậy”, Chánh án Lê Minh Trí giải thích.

Ông Trí cũng cho biết, sẽ nghiên cứu kỹ làm sao cho hài hòa giữa thực tiễn với kỷ cương, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét mức độ chế tài để bảo đảm vừa nghiêm minh nhưng phải phù hợp thực tiễn.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bo-sung-quy-dinh-ve-trach-nhiem-ca-nhan-de-tang-cuong-hieu-luc-thuc-thi-ban-an-hanh-chinh-post882518.html