Bổ sung quy định về trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội được tiếp thu theo hướng bổ sung, làm rõ các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trước khi bắt đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết
Liên quan đến nội dung thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp thu hồi đất để làm ga, cảng, công trình thông tin an ninh, dự thảo luật tiếp thu và bổ sung trường hợp này tại khoản 4 Điều 78.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất rất cứng nhắc và chưa phản ánh đầy đủ và chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập. Đồng thời đề nghị làm rõ khái niệm, nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, nên tiếp cận theo hướng, đó là những dự án phải mang lại lợi ích cho nhân dân; những dự án do ngân sách Nhà nước thực hiện hoặc được đầu tư theo phương thức công tư; mục đích thực hiện dự án là nhằm mục đích công cộng, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Ý kiến khác đề nghị tiếp tục nghiên cứu mở rộng trường hợp thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là quy định thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013, vì vậy, cần hết sức cẩn trọng, tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định phù hợp.
Việc này vừa cụ thể về các trường hợp thu hồi đất để xây dựng các dự án, công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, không phân biệt về nguồn vốn, mà khi xem xét tổng thể dự án thì lợi ích quốc gia, công cộng là lợi ích chi phối cần cho sự phát triển của đất nước, của địa phương, đồng thời, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
Việc quy định về các trường hợp thu hồi đất tại Luật Đất đai là cụ thể hóa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 về "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định".
Quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện, đồng thời, khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan.
Bên cạnh đó, dự án, công trình thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 không đồng nghĩa với việc đương nhiên Nhà nước được thu hồi, mà phải đáp ứng điều kiện cần và đủ quy định tại Điều 80 dự thảo Luật.
Thu hồi đất các dự án đã được xác định trong quy hoạch quốc gia
Một số ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp "thu hồi đất để thực hiện các dự án đã được xác định trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh mà được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư".
Dự thảo luật bổ sung theo ý kiến của Chính phủ và chỉnh sửa như sau: "Thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật".
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quy định như vậy vẫn bảo đảm yêu cầu quy định rõ ràng về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định bày tỏ quan tâm và đồng tình đến quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
Đặc biệt là Khoản 32 Điều 79 quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
"Quy định như thảo Luật lần này đã đảm bảo phù hợp với Điều 54 của Hiến pháp, đó là Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và do luật định thì báo cáo với Quốc hội", Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đồng tình và cho rằng, quy định này đã khắc phục được tình trạng quy định chung chung và không rõ ràng như dự Luật trước đây.
Đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất tại Điều 79
Cũng góp ý vào nội dung này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đánh giá cao Báo cáo tiếp thu giải trình của UBTVQH rất công phu, cầu thị trách nhiệm và tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu.
Về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79, so với điều 86 Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 chỉ có 4 khoản quy định các trường hợp thu hồi đất, dự thảo luật lần này đã quy định 31 khoản về các trường hợp cụ thể và 1 khoản quy định trường hợp dự phòng các trường hợp khác. Bày tỏ đồng tình với đại biểu Dũng, quy định như thảo Luật lần này đã đảm bảo phù hợp với Điều 54 của Hiến pháp 2013.
Tuy nhiên, khi đọc kỹ điều khoản 1 đến khoản 31, đại biểu nhận thấy, trong các điều khoản này lại có các trường hợp khác. Chẳng hạn, khoản 18: quy định các trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành khác, hoặc khoản 20: các công trình sự nghiệp khác.
"Những trường hợp khác trên là trường hợp gì và cơ quan nào sẽ quyết định bởi như trong dự thảo luật trường hợp chưa làm rõ thì sẽ trình UBTVQH bổ sung sau theo thủ tục rút gọn như điều 32", đại biểu nêu vấn đề.
Luật thì phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các khoản 1 đến khoản 31 Điều này.