Bổ sung sắt thế nào cho an toàn?
Thiếu sắt là tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất. Những hướng dẫn cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết dấu hiệu bị thiếu và có cần dùng thuốc bổ sung sắt hay không?
1. Tại sao sắt lại cần thiết?
Sắt là một khoáng chất được tìm thấy tự nhiên trong môi trường, cũng như trong nhiều loại thực phẩm.
Sắt đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể: Sắt là một thành phần thiết yếu của hemoglobin, một protein của tế bào hồng cầu hỗ trợ vận chuyển oxy. Khi có đủ lượng sắt trong cơ thể, mỗi phân tử hemoglobin có thể liên kết với phân tử oxy để đáp ứng đầy đủ nhu cầu oxy của các tế bào.
Sắt cũng là một thành phần của myoglobin, một loại protein chuyên vận chuyển và dự trữ oxy trong các mô cơ để đáp ứng nhu cầu oxy cho các cơ hoạt động.
Tầm quan trọng của sắt không dừng lại ở đó. Chức năng và phát triển não khỏe mạnh có liên quan đến việc có đủ sắt trong suốt cuộc đời, đặc biệt quan trọng trong tử cung và trong thời kỳ sơ sinh khi nhu cầu sắt cao hơn.
Có đủ chất sắt hỗ trợ sự dẻo dai của thần kinh và tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, cả hai tác động đến chức năng nhận thức.
Duy trì mức độ sắt đầy đủ trong khi mang thai, với một chế độ ăn uống thích hợp hoặc bổ sung sắt cho phụ nữ trước, trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh em bé.
2. Thế nào là thiếu sắt?
Thiếu sắt là tình trạng không đủ sắt trong máu. Đây cũng là tình trạng thiếu chất dinh dưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Nó liên quan đến chế độ ăn uống thiếu sắt, rối loạn hấp thu kém (như bệnh xơ nang và bệnh celiac), sau phẫu thuật dạ dày làm thay đổi đường tiêu hóa, khi nhu cầu tăng lên như mang thai hoặc sau khi mất máu.
Tình trạng thiếu sắt thường xảy ra ở trẻ em, phụ nữ có kinh hoặc đang mang thai và những người có chế độ ăn uống thiếu sắt, như những người theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt cao hơn, do nhu cầu về sắt tăng lên trong suốt thời kỳ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của chúng. Trẻ sinh non và nhẹ cân hoặc trẻ sơ sinh có mẹ bị thiếu sắt cũng có nguy cơ bị thiếu chất cao hơn.
Khi trẻ sơ sinh bắt đầu ăn thức ăn đặc vào khoảng 6-9 tháng tuổi, việc hấp thụ không đủ chất sắt thông qua thực phẩm hoặc sữa công thức không tăng cường chất sắt có thể dẫn đến thiếu hụt.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nhu cầu về sắt cao hơn và do đó có nguy cơ bị thiếu sắt cao hơn. Phụ nữ bị rong kinh (chảy máu nhiều bất thường trong kỳ kinh nguyệt) cũngcó nguy cơ cao bị thiếu sắt. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng có nguy cơ thiếu sắt cao hơn vì nhu cầu sắt của cả mẹ và thai nhi trong tử cung hoặc trẻ sơ sinh được cung cấp qua sữa mẹ.
Tình trạng thiếu sắt tiến triển theo từng giai đoạn, với dạng nhẹ xảy ra khi giảm lượng sắt dự trữ, thường là do chế độ ăn ít sắt hoặc mất máu quá nhiều. Khi tiến triển và kho dự trữ sắt tiếp tục cạn kiệt, tổng số lượng tế bào hồng cầu bắt đầu giảm cho đến khi dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
Nếu không có đủ sắt và lượng hồng cầu giảm đáng kể, không có đủ tế bào hồng cầu để cung cấp oxy cho cơ thể, dẫn đến giảm năng lượng, mệt mỏi và suy nhược.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thiếu máu do thiếu sắt bao gồm mệt mỏi, lú lẫn, mất tập trung, khó thở, nhịp tim nhanh (tim đập nhanh), da xanh xao, nhạy cảm với nhiệt độ lạnh, chóng mặt và đau đầu.
Nếu bạn gặp những triệu chứng thiếu sắt, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để đánh giá sức khỏe để xem xét liệu chất bổ sung sắt có phù hợp hay không.
3. Nguy cơ thừa sắt?
Mặt khác, tình trạng thừa sắt và thậm chí là nhiễm độc sắt thường hiếm gặp vì cơ thể có khả năng điều chỉnh sự hấp thụ sắt và duy trì mức sắt tối ưu. Tuy nhiên, tình trạng thừa sắt có thể xảy ra khi bổ sung sắt liều cao một cách không cần thiết.
Một số bệnh di truyền, như bệnh huyết sắc tố, có thể gây ra sự tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thừa sắt và nhiễm độc. Điều này có thể gây ra những hậu quả khác, như xơ gan hoặc suy giảm chức năng tuyến tụy, khi nó không được chẩn đoán hoặc không được quản lý hiệu quả.
Ngoài ra, việc sử dụng lâu dài chất bổ sung sắt có chứa 25 mg hoặc nhiều hơn mỗi ngày có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa như táo bón hoặc buồn nôn. Vì những lý do này, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để xác định xem bạn có cần sắt hay không và nếu có thì lượng sắt tối ưu dựa trên kết quả xét nghiệm là bao nhiêu.
Cả thiếu sắt và thừa sắt đều có thể khiến bạn mệt mỏi cũng như nhiều vấn đề khác. Không nên tự chẩn đoán mà cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ dinh dưỡng để xác định có cần bổ sung sắt hay không.
4. Khi nào cần dùng thuốc bổ sung sắt?
Ăn nhiều rau xanh, thịt, cá, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt sẽ cung cấp đủ chất sắt cho cơ thể. Nếu có các triệu chứng thiếu hụt hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, hãy đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm máu.
Nếu nhu cầu sắt tăng lên hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng như kém hấp thu hoặc các bệnh di truyền, thì bổ sung sắt có thể là một bổ sung lành mạnh cho chế độ hàng ngày. Bổ sung sắt bằng đường uống là cách nhanh nhất và đơn giản nhất để tăng lượng sắt trong chế độ ăn.
Có một số loại sắt có sẵn dưới dạng chất bổ sung, ví dụ như sắt sulfat, sắt fumarate, gluconat sắt.
Tất cả các loại sắt bổ sung đều giúp tăng sản xuất hồng cầu nhưng khác nhau về chi phí và lượng sắt nguyên tố. Sắt gluconat thường được bán ở dạng lỏng và một số nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng nó được hấp thu tốt hơn so với viên nén.
Tuy nhiên, sắt gluconat chứa ít sắt nguyên tố hơn so với sắt sulfat, vì vậy có thể cần một liều lượng lớn hơn để điều chỉnh sự thiếu hụt.
Các dạng sắt giải phóng chậm mới hơn đã được giới thiệu, có thể giúp giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, nhưng chúng đắt hơn và thường chứa ít sắt hơn.
Sắt được hấp thụ tốt hơn khi bụng đói, nhưng có thể gây khó tiêu nên nhiều người thích bổ sung sắt sau khi ăn.
Bổ sung sắt, đặc biệt ở liều lượng cao có thể gặp tác dụng phụ. Khoảng 10-40% người có thể bị táo bón hoặc buồn nôn.
5. Hàm lượng khuyến nghị
Sắt từ thực phẩm có hai dạng: Heme và không heme. Heme chỉ được tìm thấy trong thịt động vật như thịt, gia cầm và hải sản. Sắt không phải heme được tìm thấy trong thực phẩm từ thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và rau xanh. Sắt không phải heme cũng được tìm thấy trong thịt động vật
Nam giới trên 18 tuổi tiêu thụ 8,7 miligam (mg) sắt mỗi ngày. Phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi cần bù đắp lượng sắt bị mất trong kỳ kinh nguyệt, mục tiêu là 14,8mg mỗi ngày. Phụ nữ từ 50 tuổi trở lên nên bổ sung 8,7mg sắt mỗi ngày.
Trẻ em cũng cần sắt, vì nó góp phần vào sự phát triển nhận thức bình thường của trẻ. Trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tháng tuổi cần 1,7mg sắt mỗi ngày, trẻ từ 4 đến 6 tháng cần 4,3mg sắt mỗi ngày và trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi cần 7,8mg sắt mỗi ngày.
Trẻ từ 1 đến 3 tuổi nên tiêu thụ 6,9mg một ngày, trẻ từ 4 đến 6 tuổi nên dùng 6,1mg một ngày và trẻ từ 7 đến 10 tuổi cần 8,7mg một ngày. Sau độ tuổi này, lượng sắt cần thiết mỗi ngày của trẻ thay đổi tùy theo giới tính. Trẻ em gái từ 11 đến 18 tuổi cần 14,8 mg một ngày, tính theo chu kỳ kinh nguyệt, trong khi trẻ em trai từ 11 đến 18 tuổi cần 11,3 mg một ngày.
6. Tương tác cần lưu ý khi bổ sung sắt
Cà phê: Cà phê có thể làm giảm sự hấp thụ sắt khi uống trong hoặc một giờ sau bữa ăn. Tuy nhiên, sự hấp thụ sắt không bị ảnh hưởng nếu uống cà phê một giờ trước bữa ăn.
Thuốc men: Có rất nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt. Một số thuốc phổ biến là: Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) để điều trị huyết áp cao; thuốc điều trị loét, ợ chua, đau dạ dày ruột prilosec, zantac; thuốc kháng sinh như tetracyclines hoặc quinolones...
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-sung-sat-the-nao-cho-an-toan-169221030174053585.htm