BỔ SUNG SỰ THAM GIA CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

Vừa qua, tại Phiên họp Chuyên đề Pháp luật tháng 9, UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Dưới góc độ nghiên cứu, đối tượng chịu sự tác động, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, quy định về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, không chỉ là hoạt động của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự tham gia của tổ chức xã hội, nghề nghiệp.

Phiên họp chuyên đề pháp luật của UBTVQH: Chính phủ đề xuất sửa đổi 5 nhóm chính sách lớn trong Luật Đấu thầu

Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Theo cơ quan soạn thảo, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 92 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 85 Điều, bổ sung mới 05 Điều, giữ nguyên 02 Điều, bãi bỏ 11 Điều.

Đối với nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu. Nhóm chính sách này, bao gồm các nội dung quy định về trách nhiệm của cá bên trong hoạt động đấu thầu, quản lý nhà nước về đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu, xử lý vi phạm trong đấu thầu.

Trong đó, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định về của các bên liên quan, cụ thể: Đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi quản lý của mình; Hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu đã xảy ra trong thực tế nhằm nâng cao giá trị, hiệu lực pháp lý của việc xử lý vi phạm trong đấu thầu và hạn chế các hành vi thông đồng, gian lận, tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định về phân cấp, ủy quyền theo hướng phân cấp, ủy quyền thực hiện một số trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư để tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các đối tượng được phân cấp, ủy quyền.

Góp ý vào nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, không chỉ là hoạt động của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự tham gia của tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Sự tham gia của tổ chức xã hội sẽ đảm bảo tốt hơn, minh bạch hơn đối với hoạt động đấu thầu hiện nay.

Theo Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Hòa giải Phan Văn Lâm –Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean, so với phiên bản Dự thảo lấy ý kiến rộng rãi, tại Dự thảo lần này trình UBTVQH đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, cụ thể, rõ ràng, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần được làm rõ, sửa đổi để hoàn thiện hơn.

Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Hòa giải Phan Văn Lâm cho rằng, Dự thảo có quy định về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, tuy nhiên hoạt động này do người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện mà không có sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội.

Nhấn mạnh sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội sẽ đảm bảo tốt hơn, minh bạch hơn đối với hoạt động đấu thầu, trên thực tế những sai phạm về đấu thầu đại đa số do các cơ quan báo chí phát hiện và lên tiếng, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Hòa giải Phan Văn Lâm đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét bổ sung thêm đối tượng này vào hoạt động giám sát đấu thầu.

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam

Cùng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, cần thiết phải có tổ chức nghề nghiệp hoặc xã hội ngề nghiệp giám sát trong hoạt động đấu thầu, để đảm bảo tính minh bạch của hoạt động này. Tổ chức giám sát xã hội có thể là hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan báo chí, các cơ quan đại diện cho nhóm yếu thế (Hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội người khuyết tật)…

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, trên thực tế Nhân dân đều cho rằng, sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội trong hoạt động đấu thầu là cần thiết, đặc biệt ở giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu.

“Cần bổ sung quy định về giám sát, về theo dõi hoạt động đấu thầu, không chỉ là hoạt động của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu mà cần có sự tham gia của tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Sự tham gia của tổ chức xã hội sẽ đảm bảo tốt hơn, minh bạch hơn đối với hoạt động đấu thầu.”, PGS.TS Đặng Văn Thanh đề xuất.

Ở góc độ khác, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Nguyễn Thy Nga kiến nghị bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán các hoạt động đấu thầu theo hướng cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, đặc biệt cần bổ sung quy trình kiểm tra, giám sát cụ thể và các quy định về hậu thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm trong đấu thầu, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu.

Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Nguyễn Thy Nga

Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Nguyễn Thy Nga

Bên cạnh đó, liên quan đến cơ chế giải quyết kiến nghị, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Nguyễn Thy Nga cho rằng, cần bổ sung quy định về Hội, Hiệp hội nghề nghiệp có bắt buộc tham gia Hội đồng tư vấn hay không. Quyền đề nghị "tạm dừng cuộc thầu" của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị không thể thực hiện được trong thực tế.

Theo Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, pháp luật về đấu thầu hiện nay chưa có quy định về chế tài xử lý đối với các nhà thầu, nhà đầu tư không tham dự thầu hoặc có tham dự thầu và đã được giải quyết kiến nghị nhưng vẫn tiếp tục kiến nghị gây cản trở, làm kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực thiện dự án

Ngoài ra, quy định về thời gian giải quyết kiến nghị của Người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu là ngắn nên sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các kiến nghị có tính chất phức tạp; hơn nữa thời gian nêu trên không trừ ngày lễ, tết và ngày nghỉ theo quy định.

Việc sửa đổi Luật Đấu thầu trong bối cảnh hiện nay nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Do đó, Dự thảo Luật sẽ được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng các mục tiêu/yêu cầu đề ra trước khi Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10/2022 tới đây./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=68817