Bổ sung ưu đãi trong đấu thầu nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Đề xuất sửa đổi nhiều quy định tại một số luật nhằm tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính. Ảnh: HL
Trong phiên họp toàn thể lần thứ nhất, sáng 19/4, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật.
Gồm Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và đã xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… tờ trình dự án luật nêu cơ sở thực tiễn.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, dự thảo được thiết kế theo hướng tạo cơ chế linh hoạt, ưu đãi trong đấu thầu nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về ưu đãi trong đấu thầu như, sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đáp ứng tiêu chí sản xuất trong nước theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ… được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.
Dự thảo quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi được “ưu tiên trong đánh giá về tư cách hợp lệ” trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi đối với sản phẩm đổi mới sáng tạo xuất xứ Việt Nam.
Nhà đầu tư là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp sở hữu hoặc có bản quyền công nghệ chiến lược thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư. Ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp sở hữu...
Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm cho phép gói thầu trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, gói thầu có nội dung thuộc danh mục công nghệ chiến lược đấu thầu rộng rãi được chọn áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ hoặc một giai đoạn hai túi hồ sơ. Cho phép gói thầu trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, gói thầu có nội dung thuộc danh mục công nghệ chiến lược áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, phương pháp dựa trên kỹ thuật.
Việc bổ sung cơ chế ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trong đó bổ sung đối tượng nhóm doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là cần thiết, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
Tuy nhiên, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ việc liệt kê cố định, cụ thể từng loại hình doanh nghiệp (nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm nghiên cứu và phát triển theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi chào thầu sản phẩm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số). Mà cần cân nhắc lựa chọn phương án liệt kê mở, nhằm bảo đảm tính bao quát, tránh bỏ sót các mô hình doanh nghiệp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo mới, có thể hình thành trong thực tiễn, đồng thời hạn chế nguy cơ làm phát sinh thủ tục hành chính phức tạp khi xác định đối tượng được ưu đãi.
Lần sửa đổi này, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định về đấu thầu trong nước, đấu thầu quốc tế theo hướng quy định rõ đối với dự án khoa học, công nghệ áp dụng lựa chọn nhà đầu tư quốc tế thì nhà đầu tư nước ngoài phải liên danh với nhà đầu tư trong nước để tham gia thầu… Quy định đối với gói thầu của dự án thuộc lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tổ chức đấu thầu trong nước, nhà thầu trong nước liên danh được với nhà thầu nước ngoài hoặc sử dụng nhà thầu phụ là nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu, nhà thầu trong nước phải là thành viên đứng đầu liên danh.
Dự thảo cũng bổ sung hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo hướng bổ sung yếu tố “lợi ích quốc gia, yêu cầu đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là một trong các điều kiện đặc thù để áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt…
Ngoài ra còn bổ sung nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ thực hiện theo phương thức khoán chi sử dụng ngân sách nhà nước, mua gom trực tiếp hàng hóa, dịch vụ từ hộ gia đình, cá nhân trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thì tổ chức, cá nhân được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu...
Đồng tình sửa đổi những vướng mắc ở 7 Luật để cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, các ý kiến tại phiên thẩm tra cũng cơ bản tán thành với những vấn đề được Thường trực Ủy ban thẩm tra đặt ra.
Đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tại phiên thẩm tra và sẽ giải trình cụ thể hơn ở hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây.