Bộ sưu tập đặc biệt: Tiền 'đắp nền', tiền xé ra để giao dịch
Tiền 'đắp nền' - dùng con dấu đóng lên tiền trong lưu thông; xé tờ tiền có mệnh giá lớn dùng như tiền lẻ để giao dịch - những đồng tiền rất hiếm xuất hiện tại Nam bộ giai đoạn sau năm 1945.
Hơn 200 tờ tiền trong bộ sưu tập của anh Huỳnh Minh Hiệp, chủ quán Cà phê Lúa Sài Gòn (quận Phú Nhuận, TP.HCM) mang trong mình câu chuyện lịch sử không nhiều người biết.
Theo chủ nhân bộ sưu tập, sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, tới ngày 23/9/1945, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta lần nữa. Sự cách trở địa lý, việc liên thông đi lại ba miền hạn chế nên sử dụng tiền tệ bị động.
Hệ thống tài chính ở Việt Nam tồn tại song song ba loại tiền tệ. Khoảng thời gian này, khu vực phía Bắc bắt đầu sử dụng giấy bạc tài chính và tiền xu; miền Trung có tín phiếu; miền Nam vẫn xài giấy bạc Đông Dương do Ngân hàng Đông Dương (trụ sở Paris, Pháp) phát hành từ trước đó.
Giai đoạn năm 1945-1948, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ quyết định không sử dụng tiền Pháp trong lưu thông tiền tệ. Bối cảnh lúc này, vùng Nam bộ cũng chưa đủ điều kiện in tiền, Ủy ban Kháng chiến Hành chính quyết định dùng con dấu đóng lên tiền trong lưu thông, để người dân biết các cơ sở cách mạng đã có mặt ở phía Nam.
Đây được hiểu như giai đoạn quá độ, dùng tạm đồng bạc Đông Dương của Pháp nhưng đóng đè con dấu của vùng cách mạng quản lý để sử dụng. Những tờ tiền này được xem như sáng kiến “Việt Nam hóa” giấy bạc Đông Dương, đồng thời, giải quyết tình thế khó khăn tài chính khi chưa in được tiền thời điểm đó, theo anh Hiệp.
Các tờ tiền trên được người dân Nam bộ gọi là tiền “đắp nền”. Tiền "đắp nền", ngoài việc đóng dấu Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ của tỉnh như: Biên Hòa, Long Xuyên, Châu Ðốc, Bến Tre, Sa Ðéc (địa giới hành chính thời điểm đó),... còn đóng các khẩu hiệu tuyên truyền cách mạng như "Ủng hộ Chánh phủ Hồ Chí Minh", "Hồ Chí Minh muôn năm", "Ðả đảo Bảo Ðại",...
Chủ nhân bộ sưu tập cho biết, giấy bạc “đắp nền” ở tỉnh này, khi qua tỉnh khác cần đóng dấu mộc của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tại địa phương đó mới được sử dụng.
Ví dụ, người dân cầm tiền đi từ Long Xuyên sang Châu Đốc, muốn sử dụng tiền ở Châu Đốc thì cần đóng dấu của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ tại Châu Đốc. Như vậy, hơn 20 tỉnh có con dấu riêng của Ủy ban Kháng chiến Hành chính nơi đó. Ngoài ra, tùy tình hình thực dân Pháp chiếm đóng khu vực, tiền còn được đóng dấu phân chia thêm thành ba cấp hành chính là tỉnh, quận và làng.
Một điểm đặc biệt khác, do giai đoạn lịch sử này hiếm tiền, khi trao đổi mua bán mà không có tiền thối lui (trả lại), người Nam bộ xé tiền làm đôi, làm tư để thực hiện giao dịch. Đơn cử, tiền mệnh giá 100 đồng xé đôi còn 50 đồng; 20 đồng xé đôi còn 10 đồng; 5 đồng còn 2 đồng rưỡi... Những mẩu tiền xé đóng dấu mộc vẫn sử dụng như tiền tệ bình thường.
Sau khi giấy bạc Cụ Hồ xuất hiện tại Nam bộ thì tiền “đắp nền” bị đốt tiêu hủy. Do chỉ xuất hiện trong lưu thông tiền tệ khu vực phía Nam khoảng 4 năm (1948-1952) nên rất khó tìm được những tờ tiền này. Tuy nhiên, bộ sưu tập hơn 200 tờ tiền giấy “đắp nền” của anh Hiệp có đủ của hầu hết các tỉnh Nam bộ theo địa giới hành chính thời điểm đó.
Là người công tác trong lĩnh vực UNESCO, nghiên cứu bảo tồn cổ vật, anh Hiệp đánh giá, bộ sưu tập mang tính sống động của lịch sử, cảm nhận được tinh thần kháng chiến qua những dòng chữ cổ động in trên tiền. Bộ tiền “đắp nền” từng được giới thiệu với Ngân hàng Nhà nước (năm 2006); tham gia triển lãm 1.000 năm Thăng Long (năm 2010).
Một sự trùng hợp, cụ nội của anh Huỳnh Minh Hiệp cũng từng là cố vấn trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ xưa. Do đó, anh đang cố lưu giữ lịch sử qua bộ sưu tập tiền trên và không chấp nhận bán nhượng bằng bất cứ giá nào.
“Tôi mong muốn tìm thêm con dấu của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ. Hàng chục năm nay, con dấu vẫn chưa thể tìm thấy. Đó như một phần lịch sử gia đình gắn với hình ảnh cụ tôi”, anh nói.