Bộ sưu tập 'Tâm Trà Diệu Bảo' xác lập kỷ lục châu Á
Gần 30 năm cất công sưu tập, với số lượng hơn 1.000 ấm và chén tử sa, bộ sưu tập 'Tâm Trà Diệu Bảo' của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã được Liên minh Kỷ lục Thế giới vinh danh kỷ lục Châu Á.
Tối 12/10, Lễ xác lập kỷ lục châu Á cho bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo” diễn ra long trọng tại TPHCM. Tại đây, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings (Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam) đã trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục châu Á cho bà Ngô Thị Thanh Tâm, chủ nhân bộ sưu tập ấm - chén tử sa đa dạng về kiểu dáng, có số lượng nhiều nhất Việt Nam và châu Á.
Có duyên với trà, ấm chén từ năm 1993 khi sống ở Đài Loan, kể từ đó đến nay, trà, ấm chén đã trở thành người bạn gắn bó thân thiết với bà Ngô Thị Thanh Tâm. Bà chọn ấm chén tử sa vì ấm là một trong 4 yếu tố quan trọng để pha một ấm trà ngon, đặc biệt ấm tử sa xuất phát từ Nghi Hưng,Trung Quốc - là nơi duy nhất trên thế giới có. Hiện giờ, mỏ đất đó đã không cho khai thác hơn 20 năm.
Bộ sưu tập "Tâm Trà Diệu Bảo" của bà Ngô Thị Thanh Tâm được tuyển chọn công phu, kỹ lưỡng và được làm nên bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nổi tiếng thuộc làng nghề thủ công Nghi Hưng thực hiện, có niên đại kéo dài từ thời nhà Thanh cho đến ngày nay.
Hiện tại, phần lớn hiện vật trong bộ sưu tập được trưng bày tại nhà riêng của bà ở quận Tân Bình, chỉ phục vụ bạn bè, người thân đến tham quan. Ngoài việc tìm người kế thừa, bà mong muốn thành lập bảo tàng hoặc viện nghiên cứu về trà, ấm để các bạn trẻ có thể đến tham quan, học hỏi kiến thức.
“Tất cả các bộ ấm lớn nhỏ đều là tử sa, tùy theo niên đại, nghệ nhân mà có giá trị khác nhau, có những ấm từ đời nhà Minh, nhà Thanh, giai đoạn trước năm 1980... Tính đến nay, tôi đã có 28 năm sưu tập ấm tử sa, cứ đi góp nhặt từng chút và số lượng hiện nay đã hơn 1.000. Đất tử sa không còn nhiều, ngày càng mai một, do đó tôi muốn lưu giữ lại để thế hệ sau biết được ấm tử sa thật là như thế nào”, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Trước đó, bà Ngô Thị Thanh Tâm đã có cuốn sách chia sẻ về ấm chén tử sa với tên gọi “Trà Duyên”. Đây là cuốn sách được thiết kế bởi Rystal Su Wan Lin (con gái của bà). 180 chiếc ấm tử sa trong quyển “Trà Duyên” đã cất lên tiếng nói đại diện cho bộ sưu tập ấm chén tử sa “Tâm Trà Diệu Bảo” của bà. Mỗi chiếc ấm đều lưu giữ một câu chuyện riêng gắn với những kỷ niệm đặc biệt.
Trước đó, vào tháng 4/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục "Tâm Trà Diệu Bảo - Bộ sưu tập ấm chén tử sa đa dạng về kiểu dáng có số lượng nhiều nhất Việt Nam" cho bà Ngô Thị Thanh Tâm.
Một vài hình ảnh trong bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo”:
Ấm Tử sa là từ để chỉ loại ấm trà làm từ đất sét tử sa khai thác ở vùng Nghi Hưng, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tử sa – đất cát màu tím (theo nghĩa đen) là tên gọi của loại đất sét đặc biệt chỉ có ở vùng Nghi Hưng này. Tương truyền, ấm trà tử sa đầu tiên do nhà sư Ngô Nghĩa Sơn, chùa Kim Sa (thời nhà Minh) tự tay làm ra để uống trà. Những người say mê trà thời đó cũng bắt cước theo. Nhà sư Ngô Nghĩa Sơn truyền lại kỹ thuật làm ấm đất cho đệ tử của mình là Cung Xuân. Sau này Cung Xuân nổi danh vang dậy và được coi là ông tổ của nghề làm ấm đất ở Nghi Hưng. Đất sét tử sa thường gặp 3 loại chính: đất màu tím, đất màu xanh và đất màu đỏ. Ngoài ra còn có thể có loại đất màu vàng, màu đỏ cam, màu vàng nhạt… Loại đất này được tìm thấy dưới lớp đất đá và có độ dày từ vài chục cm đến một mét. Từ lâu, ấm tử sa đã được ca ngợi về công năng đặc biệt đối với việc pha trà. Những nghiên cứu khoa học sau này làm rõ những công năng này theo khía cạnh kỹ thuật lý – hóa học. Đặc trưng của ấm tử sa là tính thoáng khí tốt. Khi nung lên, đất tử sa cho ra vô số khí khổng (lỗ khí), điều này giúp cho pha trà ngon hơn. Độ xốp của đất tử sa lên đến 10%, kết hợp cùng với hàm lượng sắt cao càng tăng cường thêm khả năng có một không hai của loại ấm này khi sử dụng với trà.