Bộ Tài chính cân đối kinh phí từ ngân sách trung ương cho các hoạt động khuyến công quốc gia
Ngày 20/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1881/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, hàng năm, căn cứ đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cân đối kinh phí từ ngân sách trung ương để thực hiện các hoạt động khuyến công (đối với kinh phí khuyến công quốc gia); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách địa phương (đối với kinh phí khuyến công địa phương).
Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu xây dựng được 340 mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ. Ứng dụng được 1.600 máy móc thiết bị và 300 dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đánh giá sản xuất sạch hơn cho 300 cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn cho 100 cơ sở công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 cơ sở công nghiệp nông thôn;
Chương trình tổ chức được 03 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 02 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; Hỗ trợ 350 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Hỗ trợ tổ chức được 15 hội chợ triển lãm trong nước, 5 hội chợ triển lãm tại nước ngoài và hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia 45 hội chợ triển lãm trong nước, 13 hội chợ tại nước ngoài để trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, hàng thủ công mỹ nghệ...
Bên cạnh đó, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 50 cụm công nghiệp. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho khoảng 60 cụm công nghiệp. Hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; Đào tạo nghề nghiệp cho 10.000 lao động theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn gắn với yêu cầu của thị trường; khoảng 500 cán bộ quản lý, kỹ thuật, thợ giỏi, nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng khoảng 300 giảng viên, báo cáo viên, đội ngũ cán bộ chuyên sâu về sản xuất sạch hơn...
Về kinh phí thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, Quyết định số 1881/QĐ-TTg nêu rõ, kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) theo phân cấp hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối của NSNN, vốn của cơ sở công nghiệp nông thôn, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác nhằm đầu tư, phát triển công nghiệp nông thôn.
Đối với kinh phí sự nghiệp kinh tế nguồn ngân sách trung ương dành cho các hoạt động khuyến công, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hàng năm, căn cứ vào Chương trình và đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cân đối kinh phí từ ngân sách trung ương để thực hiện các hoạt động khuyến công (đối với kinh phí khuyến công quốc gia); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách địa phương (đối với kinh phí khuyến công địa phương) theo quy định của Luật NSNN và các quy định hiện hành.
Về vốn đầu tư công nguồn NSNN dành cho đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị cho Trung tâm khuyến công quốc gia ở các vùng và chi hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị cho Trung tâm khuyến công của các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Quyết định số 1881/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2020.