Bộ Tài chính dẫn đầu chuyển đổi số năm 2020
Theo Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 (DTI 2020) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2020 của các Bộ cung cấp dịch vụ công.
Theo Báo cáo vừa được công bố ngày 19/10, DTI 2020 trung bình của các Bộ cung cấp dịch vụ công là 0,3982 và có 11/18 Bộ có giá trị DTI 2020 trên mức trung bình.
Với 0,4944 điểm, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2020 ở khối cấp bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến với nhiều hoạt động chuyển đổi số nổi bật như: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 50%; 100 ứng dụng của Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ (LGSP). Hiệu quả của các hoạt động này cũng được chứng minh qua việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, như 99,89% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99,42% doanh nghiệp tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử, 96,28% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến là hơn 98 triệu trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý (109,81 triệu hồ sơ) trong năm 2020, đạt tỷ lệ 89,3%...
Tiếp theo là các đơn vị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (0,4932 điểm), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (0,4701 điểm), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (0,4643 điểm) và Bộ Y tế (0,4582 điểm)...
Theo ông Hoàng Xuân Nam - Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài chính, cải cách thủ tục hành chính.
Đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả nhiều công nghệ mới, công nghệ lõi như: công nghệ di động, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây trong thực hiện cải cách thủ tục tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị công, nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để triển khai cung cấp Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tự tìm kiếm câu hỏi và trả lời các vấn đề liên quan đến thắc mắc về các chính sách của ngành Tài chính một cách tự động, thông minh. Qua đó đã rút ngắn được thời gian trả lời, giải đáp các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về cơ chế chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được nghiên cứu, xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn từng bước đáp ứng được yêu cầu thông tin dữ liệu, phục vụ quản lý, điều hành và hoạch định chính sách của ngành Tài chính. Đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng, đảm bảo tính liên kết, tích hợp, chia sẻ thông tin, giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính.
Toàn ngành Tài chính đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ trong hệ thống CNTT nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng cũng như giải quyết nhanh các yêu cầu tăng trưởng hạ tầng phần cứng trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, lĩnh vực thuế và hải quan đã có quyết tâm và nỗ lực lớn để triển khai tốt các Nghị quyết của Chính phủ như triển khai ứng dụng CNTT hỗ trợ kê khai thuế, hải quan điện tử đều vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến tháng 9/2021, số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đã đạt hơn 99%, và có 99,11% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử...
“Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về ứng dụng CNTT trong thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích hỗ trợ công tác quản lý tài chính của ngành mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội”, ông Hoàng Xuân Nam cho biết.
Kết quả ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính đã mang lại sự cải thiện đáng kể trong công tác quản lý tài chính ngân sách theo hướng hiện đại, từng bước tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát tài chính, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách hành chính, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ... tăng độ chính xác, tính kịp thời và minh bạch trong báo cáo tài khóa, kế toán và thống kê ngân sách nhà nước.
Những nỗ lực trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao. Năm 2018 Bộ Tài chính được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO 2018 trong hạng mục “Tổ chức ứng dụng CNTT xuất sắc” dành cho khối cơ quan của Chính phủ.
Kết quả, với chỉ số chuyển đổi số 2020 cấp tỉnh: Tốp 10 tỉnh, thành phố xếp hạng cao lần lượt là: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, Kiên Giang, Bắc Giang. Với DTI là 0,4874 điểm, Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.