Bộ Tài chính đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tích cực từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh, quyết liệt hơn bao giờ hết và đã đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành Tài chính khi triệt để phòng, chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực quản lý.

Cải cách hành chính giúp phòng, chống tham nhũng hiệu quả

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống tham tham nhũng (PCTN), tiêu cực, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, Bộ Tài chính đã đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách hành chính (CCHC).

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Theo đó, trong quý I/2023, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý, nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện gắn với việc phát triển Chính phủ điện tử và quá trình chuyển đổi số để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Tài chính cũng thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp, hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Về phía các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đã giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như Tổng cục Hải quan, đã duy trì thực hiện các quy tắc ứng xử được ban hành, hàng năm thực hiện công tác kiểm tra nội bộ lồng ghép với việc thực hiện quy chế kiểm tra công vụ và xử lý kỷ luật. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã triển khai hệ thống camera giám sát và Phòng giám sát hải quan trực tuyến tại Tổng cục Hải quan, một mặt cho phép giám sát quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng về các biểu hiện gây phiền hà, tiêu cực của công chức hải quan để có biện pháp xử lý.

Tổng cục Thuế tiếp tục theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện Công văn số 1687/TCT-TCCB của Tổng cục Thuế về tăng cường kỷ luật, kỷ cương thi hành công vụ trong toàn hệ thống Thuế. Trong quý I/2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện 58 cuộc kiểm tra về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức đối với 148 đơn vị trực thuộc. Nhìn chung, việc thực hiện quy tác ứng xử của công chức, viên chức ngành Thuế đã có chuyển biến về mặt nhận thức; phong cách ứng xử trong hoạt động giao tiếp và thực thi công vụ giữa công chức với công dân và doanh nghiệp đã được cải thiện, góp phần hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ. Hết quý I/2023, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 185 cuộc kiểm tra nội bộ, đã phát hiện và kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước trên 14,6 tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.

Hoàn thiện chính sách pháp luật, nhất là lĩnh vực nhạy cảm

Nhận xét về công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính thời gian qua, ông Trần Huy Trường cho biết, đã có những chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức. Hiệu lực, hiệu quả PCTN của Bộ Tài chính đã có chuyển biến theo hướng tích cực hơn, số vụ việc tham nhũng và số lượng đối tượng có hành vi tham nhũng được phát hiện đã giảm rõ rệt.

Luân chuyển, điều động, chuyển đổi nhiều vị trí công tác

Để PCTN đạt hiệu quả cao, trong quý I/2023, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 755 người (Tổng cục Hải quan 192 người; Tổng cục Thuế 556 người; Tổng cục Dự trữ Nhà nước 7 người).

Tại hội nghị tổng kết lại công tác đấu tranh PCTN giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, trong 10 năm gần đây, công tác đấu tranh PCTN ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh và đã thực sự “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược". Tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta…

Phát huy những kết quả đã đạt được và góp phần cùng cả nước thực hiện PCTN một cách triệt để, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, toàn ngành Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ.

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiều hà trong giải quyết TTHC, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình như: Công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC, trong quý I/2023, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 5 quyết định, công bố bãi bỏ 4 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 7 TTHC; công bố mới 3 TTHC trong các lĩnh vực hải quan, thuế; quản lý giá và quản lý bảo hiểm. Đồng thời, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ, kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Đến nay, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 800 thủ tục (lĩnh vực thuế 235 thủ tục; lĩnh vực hải quan 230 thủ tục; lĩnh vực kho bạc nhà nước 11 thủ tục; lĩnh vực dự trữ 7 thủ tục; lĩnh vực chứng khoán 104 thủ tục; lĩnh vực tài chính chung 213 thủ tục).

Lũy kế từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 14/3/2023, bộ phận một cửa Bộ Tài chính đã tiếp nhận 366 hồ sơ TTHC và đã thực hiện trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 272 hồ sơ đảm bảo 100% đúng hạn. Số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 94 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.

Đồng thời, trong quý I/2023, bộ phận một cửa Bộ Tài chính đã thực hiện số hóa 366 hồ sơ và 272 hồ sơ đã giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (đạt tỷ lệ 100%). Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC nhằm hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Tài chính. Qua đó, giúp Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện TTHC, vừa PCTN hiệu quả vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-day-manh-phong-chong-tham-nhung-tren-tat-ca-cac-linh-vuc-125010.html