Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án thuế nhập khẩu khô dầu đậu tương
Liên quan đến thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng khô dầu đậu tương, Bộ Tài chính đã đề xuất hai phương án giữ nguyên hoặc giảm từ 2% xuống 1%.
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Về mặt hàng khô dầu đậu tương, Bộ Tài chính cho biết, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an và một số Hiệp hội đã kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi) của mặt hàng này từ 2% xuống 0%.
Theo Bộ Tài chính, khô dầu đậu tương là sản phẩm từ quá trình ép dầu hạt đậu tương. Mặt hàng này là một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng nhu cầu thức ăn (ngô, khô đậu tương, cám, bột cá...) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Hiện nay, nước ta đã có nhà máy sản xuất được khô dầu đậu tương. Tuy nhiên, sản lượng trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, tương đương với 35% nhu cầu. Phần còn lại phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Bộ Tài chính cho biết, hiện cơ bản mức thuế suất MFN các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đều đã ở mức rất thấp.
Đối với mặt hàng khô đậu tương, đã sản xuất được 35% nhu cầu trong nước và nhập khẩu 65% nên theo cơ quan này, mức thuế suất nhập khẩu MFN đối với mặt hàng này là 2% (so với mức cam kết trần WTO 5%) như hiện hành là phù hợp.
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án: phương án 1 giữ nguyên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương như hiện hành. Phương án 2, điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 1%, thay cho phương án giảm xuống 0% như đề xuất của Bộ NN&PTNT và một số hiệp hội.