Cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế có thể bị tạm hoãn xuất cảnh

Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ về đề xuất bổ sung cá nhân, chủ hộ kinh doanh vào đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Đây là một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất tại hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Bộ Tài chính lý giải, theo Luật Quản lý thuế, người nộp thuế gồm tổ chức và cá nhân. Song, việc tạm hoãn xuất cảnh hiện chỉ áp dụng với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính nhận thấy quy định này không phù hợp với thực tiễn.

Chính vì vậy, tại dự thảo sửa Luật Quản lý thuế, cơ quan này đề xuất bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là đại diện pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ hộ, cá nhân kinh doanh. Các đối tượng này chịu cùng quy định với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế, tăng tính linh hoạt trong việc áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế phù hợp với thực tế tại cơ quan thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế

Việc bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế

Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế, theo Bộ Tài chính.

Nửa đầu năm nay, Tổng cục Thuế đã ban hành hơn 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Toàn ngành thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này, bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ đồng).

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo Luật Quản lý Thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Ngoài tạm hoãn xuất cảnh, ngành thuế áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nợ như kê biên tài sản, thu qua bên thứ ba với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.

Tuy nhiên, việc kê biên tài sản và thu bên thứ ba vẫn còn một số bất cập như cán bộ thuế khó xác định quyền sở hữu tài sản của đối tượng nộp để cưỡng chế. Việc xác định tỉ lệ trách nhiệm của người nợ thuế với đóng góp của doanh nghiệp hoặc tài sản của họ với các đồng sở hữu cũng không dễ dàng. Mặt khác, hầu hết tài sản của người nộp thuế đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng, thời gian sử dụng của tài sản thấp.

Do đó, Bộ Tài chính còn đề xuất bổ sung quy định cơ quan thuế chỉ kê biên tài sản, thu bên thứ ba khi có đầy đủ thông tin, điều kiện. Biện pháp này cũng không thực hiện cưỡng chế bắt buộc với tất cả. Điều này giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào các đối tượng trọng tâm, trọng điểm có khả năng thu hồi nợ.

Ngoài ra, cơ quan quản lý ngành thuế cũng bổ sung quy định cho phép áp dụng ngay biện pháp phù hợp nếu người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn. Việc này nhằm kịp thời thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Nguyễn An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ca-nhan-chu-ho-kinh-doanh-no-thue-co-the-bi-tam-hoan-xuat-canh-312967.html