Bộ Tài chính đề xuất giảm một nửa mức trị giá hàng được miễn thuế nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử
Mức giá trị miễn thuế nhập khẩu được đề xuất giảm một nửa so với hiện nay, từ 2 triệu đồng giảm xuống còn 1 triệu đồng/đơn hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử. Đồng thời, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu này không quá 48 triệu đồng/năm.
Tại Dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT) mới nhất, Bộ Tài chính thay đổi nhiều đề xuất so với trước đó, trong đó có đề xuất như trên.
Theo Bộ Tài chính, một vài năm gần đây, TMĐT Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu công bố mới nhất của Bộ Công Thương, tốc độ phát triển TMĐT nhanh cả về quy mô và hình thức, trung bình mỗi năm từ 15-20%. Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, chỉ sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).
Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Tuy nhiên, thu thuế từ hoạt động TMĐT tại Việt Nam chưa tương xứng với tốc độ phát triển mạnh mẽ này. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh xuyên biên giới để trốn thuế, gây thất thoát thu ngân sách.

Bộ Tài chính đề xuất đơn hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu.
Trong khi đó, ngành thuế gặp khó khăn trong việc quản lý và thu thuế. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không cần có trụ sở, thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử. Máy chủ có thể đặt ở nước ngoài nên gây khó khăn trong xác định danh tính người nộp thuế và căn cứ tính thuế. Thêm nữa, cơ quan chức năng khó khăn trong kiểm soát dòng tiền do người mua hàng sử dụng phương thức thanh toán là tiền mặt và tiền điện tử.
Để đảm bảo không thất thu ngân sách, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như theo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu. Mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu không quá 48 triệu đồng/năm.
Về đối tượng áp dụng, ngoài các đối tượng áp dụng như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường, tại dự thảo nghị định lần này có quy định thêm các đối tượng là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT bán hàng. Ví dụ như sàn TMĐT Amazon ở Mỹ, sàn TMĐT tử Alibaba ở Trung Quốc, website TMĐT bán hàng Ebay...
Ngoài ra, Bộ Tài chính bỏ nội dung quy định định mức miễn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 2 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng.
Trên cơ sở rà soát thông lệ quốc tế, pháp luật hiện hành kinh nghiệm của một số nước, Bộ Tài chính nhận thấy nếu quy định miễn thuế đối với hàng hóa có mức thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng thì người khai hải quan phải thực hiện khai báo các thông tin để tính được số tiền thuế như mã HS, mức thuế suất, biểu thuế... và cơ quan hải quan phải có biện pháp kiểm tra được các thông tin này.
"Bỏ nội dung quy định mức miễn thuế như trên nhằm đảm bảo thuận lợi cho người khai hải quan và cơ quan hải quan trong theo dõi, thực hiện thủ tục hải quan", Bộ Tài chính lý giải.
Trước đó, Thủ tướng đã ban hành quyết định bãi bỏ miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng nhập khẩu qua thương mại có trị giá 1 triệu đồng. Theo đó từ ngày 18/2, hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế phải nộp thuế VAT.
Năm 2024, Việt Nam nhập 324 triệu sản phẩm qua TMĐT, doanh thu 14.200 tỷ đồng, tăng 38% về số lượng và 43% về giá trị so với 2023.
Theo Bộ Tài chính, nhiều nước đang triển khai thu thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá trị rẻ qua sàn TMĐT như Thái Lan áp 7% thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có giá dưới 1.500 baht (tương đương 1.100.000 đồng).
Tương tự, Hàn Quốc đang xem xét sửa đổi Đạo luật TMĐT để bắt buộc các nhà khai thác nền tảng trực tuyến lớn của nước ngoài phải thành lập văn phòng địa phương tại Hàn Quốc.
Còn tại Trung Quốc, người bán phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT để bán hàng trên nền tảng TMĐT. Đồng thời, Trung Quốc quy định chặt chẽ việc cho phép một số hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường nước này qua TMĐT như phải thuộc danh sách hàng hóa được nhập khẩu bán lẻ tại Trung Quốc thông qua TMĐT; chỉ cho phép bán hàng hóa tới người tiêu dùng cuối cùng chứ không được mua đi bán lại.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Shark Bình (tên thật là Nguyễn Hòa Bình) là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn NextTech – một tập đoàn sở hữu nhiều nền tảng công nghệ như Ngân Lượng (cổng thanh toán trực tuyến), Giao Hàng Nhanh, Boxme (dịch vụ logistics), và TopCV (tuyển dụng công nghệ)... đã chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về việc miễn thuế hàng nhập khẩu qua TMĐT.
Theo ông, một số ý kiến cho rằng miễn thuế đơn hàng bán lẻ xuyên biên giới giá trị dưới 2 triệu đồng (96 triệu/năm) sẽ có lợi cho người tiêu dùng Việt, thì đây là vấn đề cần tính đến. Bởi, hàng nhập khẩu chính thức và hàng sản xuất trong nước phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh, đáp ứng các tiêu chuẩn hợp quy, và đảm bảo tiêu chí kiểm định chất lượng sản phẩm...
Khi nhóm hàng hóa xuyên biên giới giá rẻ được miễn thuế cũng đồng thời được miễn các nghĩa vụ trên. Tức là người mua có thể sẽ dùng phải hàng kém chất lượng, hàng độc hại, mà nếu để lại hậu quả nghiêm trọng, cũng không biết bắt đền ai, không được tổ chức, đơn vị nào bảo vệ.
"Không có đại diện thương mại chịu trách nhiệm ở Việt Nam thì cũng như "kẻ không có tóc", làm sao mà nắm?", ông Bình đặt vấn đề.
Do đó, chuyên gia này không đồng tình với ý kiến miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa xuyên biên giới